Diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình (21:04 15/07/2018)


HNP - Tối 14/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai diễn tập thực tế “Điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó bảo đảm an toàn hạ du”. Chỉ đạo buổi diễn tập có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã tham dự.

Các đại biểu dự diễn tập


Nội dung diễn tập gồm 2 phần: Diễn tập cơ chế tại Văn phòng Thường trực, các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Diễn tập thực binh tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Tổ chức thông báo tình hình xả lũ hồ Hòa Bình. Tình huống giả định diễn tập được đưa ra là trong 24h qua, trên khu vực Tây Bắc có mưa to đến rất to, khoảng 200mm, lưu lượng về hồ đang tăng nhanh, lúc 19 giờ tối 12.000m3/s, mực nước thượng lưu đạt 116,5m (dưới mực nước dâng bình thường 0,5 m), mực nước tại Hà Nội ở mức 10m, trên báo động 1 là 0,5m. Hiện nay, hồ Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy và theo quy định tại Quy trình liên hồ thì có thể phải mở khẩn cấp thêm một số cửa xả đáy, hồ Lai Châu đang mở 1 cửa xả đáy.
 
Trước những diễn biến phức tạp mưa lũ: Hồ Hòa Bình đã đầy nước, lũ trên hệ thống sông ở mức cao - Trên báo động 1 là 0,5m. Theo dự báo trong những ngày tới, trên toàn bộ khu vực Bắc Bộ tiếp tục mưa lớn, tập trung chủ yếu vào ban đêm với tổng lượng mưa 200-300mm, lưu lượng về hồ Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng lên tới 16.000m3/s, tương tự đợt lũ xảy ra tháng 10/2017. Mực nước hồ sẽ lên nhanh và ở mức rất cao, trong khi đó, ngoài biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thêm thành bão đang tiến vào đồng bằng Bắc bộ, có khả năng gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ. Trước diễn biến phức tạp đó, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá công tác đã chuẩn bị và đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn cho hồ Hòa Bình và hạ du.
 
Sau khi nghe báo cáo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và 7 đơn vị tính toán điều hành liên hồ chứa, Bộ trưởng - Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình, vào lúc 21h30 tối nay và 1 cửa tiếp theo vào 9h00 sáng mai, duy trì hiện trạng vận hành thủy điện Sơn La như hiện nay để cắt lũ giảm tải cho hồ Hòa Bình và cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển lũ vào sông Đáy...
 

Lực lượng cứu hộ triển khai các phương án cứu nạn tại buổi diễn tập
 
Theo tình huống được đưa ra, đến 21h4 phút, đồng chí Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội báo cáo về các công việc đã triển khai thực hiện. Lãnh đạo thành phố đã báo cáo hiện trạng đê điều và các trọng điểm xung yếu, như: hệ thống đê hữu Đà; đê tả, hữu Hồng; đê tả, hữu Đuống.

Thành phố cũng báo cáo về 4 vị trí trọng điểm về phòng, chống lụt, bão gồm: Khu vực đê, kè Xuân Canh - cống Long Tửu, K0+000- K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh. Công trình cống Liên Mạc, K53+450 đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm. Đê, kè Cổ Đô, K4+000÷K8+600 đê hữu Hồng, huyện Ba Vì và công trình cống Cẩm Đình, K1+700 đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ.
 
Ngoài ra, thành phố cũng thông báo cho các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trên sông, ven sông về nội dung xả lũ hồ Hòa Bình; phổ biến các biện pháp phòng, tránh, ứng phó (các biện pháp chủ động bảo đảm an toàn cho người, công trình và lồng bè nuôi trồng thủy sản,… theo phương châm “4 tại chỗ”). 
 
Thành phố cũng tổ chức sơ tán dân, bảo vệ nhà cửa, công trình, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản ở các khu vực nguy hiểm. Tổ chức triển khai tuần tra canh gác, bảo vệ trọng điểm, hộ đê toàn tuyến theo các tình huống. Tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo để vận hành đưa lũ và sông Đáy. Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng vật tư, nhân lực, phương tiện để phối hợp triển khai ứng phó. Duy trì trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn. Kịp thời tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn báo cáo về việc ứng phó khi hồ Hòa Bình xả lũ
 
Theo tinh thần công điện của Ban chỉ đạo TW về PCTT, BCH PCTT và TKCN các tỉnh/TP, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình thông báo đến nhân dân vùng hạ du chủ động ứng phó. Ngay trong đêm, các lực lượng tại chỗ, bộ đội, công an, lực lượng phòng chống thiên tai tại các tỉnh từ Hòa Bình đến Hà Nội đã tổ chức thông báo tình hình xả lũ, hướng dẫn bằng loa dọc hai bên sông, thực hiện sơ tán người dân vùng có nguy cơ ngập, ven sông, di chuyển, sơ tán người và các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, tổ chức canh gác, tuần tra những vị trí xung yếu, tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị tại các trọng điểm xung yếu đê, sẵn sàng xử lý giờ đầu các sự cố đê điều, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân.
 
Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương PCTT cũng tổ chức 2 đoàn công tác đi thực tế kiểm tra tra dọc 2 bên bờ sông Đà phối hợp cùng các địa phương đảm bảo an toàn xả lũ: 01 đoàn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đi kiểm tra hệ thống đê; 1 đoàn doThứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa thủy điện và an toàn hạ du...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, qua đợt diễn tập này sẽ làm nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân về công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, người dân sẽ nhận biết rõ hơn về nguy cơ lũ lớn ở khu vực Bắc bộ sẽ ngày càng phức tạp. Cán bộ và người dân cũng sẽ nhận thức đầy đủ hơn về việc xả lũ hồ Hòa Bình làm sao vừa đảm bảo an toàn cho hồ vừa đảm bảo hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du. Qua đợt diễn tập này, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân về phòng chống lụt bão, tuyên truyền để người dân hiểu hơn việc khi nước các sông dâng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là các hộ sinh sống ở khu vực ven sông, khu vực ngoài đê. Tuyên truyền để người dân hiểu hơn về việc di dời người và tài sản.
 
Ngoài ra, qua đợt diễn tập này, các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về các sự cố đê điều như mạch sủi, sạt trượt, hộ đê.... Theo lãnh đạo Thành phố, trên địa bàn hiện có hệ thống đê điều công trình thủy lợi mà từ lâu chưa được thử thách, nhiều năm không có lũ vì thế có thể gây tâm lý chủ quan. Vì vậy, buổi diễn tập lần này sẽ tăng cường nhận thức tự giác và tính tự chủ động phối hợp với từ Trung ương đến cơ sở và có được sự chỉ đạo kịp thời, các lực lượng tham gia phòng chống lụt bão cũng không bị bị động trong mọi tình huống.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t