Hà Nội triển khai bài bản, sáng tạo Nghị quyết 11-NQ/TW (15:34 07/06/2017)


HNP - Sáng 7/6, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW, do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn, đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thành phố. Tiếp đoàn có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc


Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thành ủy Hà Nội đã có kế hoạch 37-KH/TU ngày 7/9/2007 để tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, đồng thời, xây dựng Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15/10/2007 để triển khai thực hiện, với 5 nhóm chỉ tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Ngoài ra, Thành ủy tiếp tục ban hành 9 văn bản, UBND TP cụ thể hóa thành 23 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên địa bàn.
 
Từ đó, việc thực hiện Nghị quyết 11 đã có những kết quả tích cực, đồng bộ. Nổi bật là trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, từ cách đây 10 năm, TP Hà Nội đã triển khai Dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố”, trong đó, mời các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành để khám, tầm soát, tập trung vào những phụ nữ vùng xa, vùng khó khăn và phụ nữ ngoại tỉnh. Đến nay, toàn TP đã tư vấn và khám tầm soát cho gần 128 nghìn phụ nữ từ 35-60 tuổi, kịp thời phát hiện và điều trị sớm cho trên 6 nghìn trường hợp.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ cũng được Thành ủy hết sức quan tâm. Trong 10 năm qua, toàn TP có gần 32,5 nghìn phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, hành chính, tin học và ngoại ngữ. Đặc biệt, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ của Thành phố, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 30/12/2011 “về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ TP Hà Nội”, từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử.
 
Cụ thể, hiện nay Ban Thường vụ Thành ủy có 4 đồng chí là nữ, Thường trực Thành ủy có 2 đồng chí là nữ, cao nhất từ trước tới nay. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP là 12%, Ban chấp hành các quận, huyện, thị xã là 19,6% và cấp xã, phường, thị trấn là 24,9%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 của Thành phố là 30%, nữ đại biểu HĐND TP là 23,8%, cấp quận, huyện là 30% và cấp xã, phường là 28,5%. Hay như trong 1.500 cán bộ nguồn khối đảng, đoàn thể của Thành phố thì có tới 70% là nữ... Cũng trong 10 năm qua, gần 24 nghìn phụ nữ được kết nạp đảng, chiếm 44,4% tổng số đảng viên mới của Thành phố.
 
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, củng cố và phát triển các tổ chức hội phụ nữ. Từ Thành phố đến 100% các đơn vị trực thuộc, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, bố trí kinh phí phù hợp đáp ứng yêu cầu hoạt động. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chăm lo, phát triển toàn diện của phụ nữ, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo xây dựng khu liên hợp phát triển phụ nữ Hà Nội và thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội. Đáng chú ý, Thành phố đã xây dựng và ban hành “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới” với 62 chỉ số tách biệt trong một số lĩnh vực chủ yếu như y tế, giáo dục, lao động việc làm, lãnh đạo quản lý… làm cơ sở cho việc đánh giá bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.
 
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, một số nội dung trong Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 11 còn chưa đạt, như công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ban, ngành, quận, huyện còn thấp; việc lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, ban ngành còn hạn chế; định kiến về giới, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em còn diễn biến phức tạp...
 
Tại buổi làm việc, Thành ủy Hà Nội kiến nghị Trung ương chỉ đao, tăng cường việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; hướng dẫn việc lồng ghép các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có cơ chế, chính sách tạo bình đẳng giới về độ tuổi lao động, độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý...
 
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc
 
Bày tỏ ấn tượng trước sự chỉ đạo tích cực, bài bản, khoa học của Thành ủy Hà Nội trong triển khai thực hiện Nghị quyết 11, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cùng với sự tham gia tích cực, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị của Thành phố chính là nguyên nhân quan trọng, làm nên những kết quả tương đối toàn diện và đồng bộ. Nổi bật là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, cơ quan dân cử tăng đều hàng năm; việc chăm lo sức khỏe phụ nữ vừa mang tính chiến lược, nhưng cũng rất cụ thể và chu đáo, thông qua Dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố” mà Hà Nội triển khai đã giúp phát hiện sớm, điều trị và cứu sống hàng nghìn phụ nữ. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đi đầu trong xây dựng và ban hành “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới”... đây là những kinh nghiệm, kết quả tích cực mà đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu để báo cáo Trung ương triển khai nhân rộng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.
 
Gợi mở một số nội dung Hà Nội cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng Thành phố cần tiếp tục lồng ghép chính sách, chương trình bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực cho các chỉ tiêu còn chưa đạt theo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 11; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng như nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh phụ nữ, nhất là nữ quản lý trong các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học, nghiên cứu.
 
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cần tiếp tục phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng, cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tham mưu, xây dựng chính sách về phát triển phụ nữ; làm tốt hơn trong tổ chức các diễn đàn, đối thoại, có nhiều hình thức để nắm bắt tâm tư của hội viên cũng như tích cực tham mưu giải quyết các điểm nóng phát sinh trên địa bàn.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t