Quận Long Biên: Tích cực, chủ động các biện pháp bảo vệ môi trường (09:50 06/10/2020)


HNP - Thực hiện Kế hoạch 150/KH-UBND, ngày 26/9/2013, của UBND thành phố Hà Nội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong 5 năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quận Long Biên tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đi vào ổn định. Quận đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.  

Cánh đồng rau an toàn tại phường Giang Biên


Trong 5 năm qua, quận Long Biên đã đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận.

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quận Long Biên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập huấn kỹ thuật, cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng. Đến nay, quận đã thực hiện xong việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp có tính ổn định cao (khu vực ngoài bãi sông Hồng, sông Đuống và một số khu vực trong đồng). Hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, quận đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống tiến bộ kỹ thuật, giống có chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân sản xuất nông nghiệp. Với chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp... đã góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái gắn phát triển nông nghiệp với các loại hình dịch vụ.

Đến nay, quận đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất nông nghiệp tại 08 phường và phê duyệt phương án quản lý, khai thác trong giai đoạn 2020-2025. Tiếp tục duy trì quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp theo quy trình quản lý an toàn (115 ha rau, quả theo quy trình Vietgap). Giảm được 66 hộ chăn nuôi, nâng tổng số 199 hộ (đạt 62%), hiện còn 122 hộ chăn nuôi. Ngoài ra, quận còn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, không để phát sinh ổ dịch mới.

Đối với công tác quản lý quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với Phòng QLĐT, Phòng Kinh tế tổ chức kiểm tra toàn bộ các điểm và chỉ đạo thực hiện một sô biện pháp như huỷ các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền của UBND các Phường, giải toả toàn bộ hàng hoá và phương tiện trong khu vực để đảm bảo thoát lũ, giao lực lượng thanh tra giao thông lập chốt xử lý các phương tiện quá tải đi trên đê.

Song song với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi; đặc biệt là khoáng sản cát, đất san lấp, quặng sắt và đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả tích cực.
 
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, các lực lượng chức năng đã rà soát 322 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận, 11 dự án nhà ở, 2 khu công nghiệp, 1 sân golf, 1 siêu thị Aeonmall và 13 cơ sở xả nước thải vào sông Cầu Bây. Tổ chức kiểm tra 163 cơ sở nằm trong khu dân cư, phát hiện 17 cơ sở vi phạm, xử phạt 124,7 triệu đồng. Đồng thời, khảo sát 128 cơ sở xả thải trực tiếp dầu, mỡ vào hệ thống thoát nước chung. Đến nay, đã có 27 nhà hàng lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ. Vận động người dân xóa bỏ 139 bếp than tổ ong, còn khoảng 293 hộ đang sử dụng trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, quận cũng triển khai nhiều giải pháp giảm bụi, ô nhiễm không khí trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch chống rác thải nhựa trên địa bàn quận Long Biên đến năm 2020 và những năm tiếp theo, triển khai ký cam kết hành động chống rác thải nhựa trong toàn thể cơ quan, các đoàn thể, trường học, các trung tâm thương mại, các chợ..., không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân huỷ.

Đáng chú ý, quận Long Biên đã thực hiện tốt phương án cơ giới hóa thu gom vận chuyển rác, đảm bảo 100% các tuyến đường, tuyến phố, các ngõ ngách trên địa bàn quận được thu gom trong ngày. Duy trì hoạt động có hiệu quả các Câu lạc bộ tình nguyện vì vệ sinh môi trường tại các vườn hoa, khu công cộng. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai tưới nước rửa đường trên 24 tuyến đường và duy trì vệ sinh vườn hoa, dải phân cách, nhà vệ sinh công cộng trên 10 tuyến đường. Thực hiện công tác cắt tỉa, xử lý 6.206 cây xanh đảm bảo an toàn mùa mưa bão năm 2020 tại các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, hành lang an toàn lưới điện; Triển khai thực hiện duy trì 19 vườn hoa, tiểu cảnh; 07 dải phân cách, dải xanh, theo phân cấp. 
 
Có thể nói, công tác bảo vệ môi trường đã quận Long Biên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từng bước khắc phục được các tình trạng gây ô nhiêm môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, các bệnh viện và nơi công cộng; xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường. Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và việc thực hiện các quy định pháp luật vê bảo vệ môi trường của các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Hạn chế các điểm nóng về gây ô nhiễm.
 
\Xuất phát từ thực tiễn, với những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, UBND quận Long Biên kiến nghị Thành phố cần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định quản lý đặc thù riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Đồng thời, ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, cải tiến thủ tục hành chính và ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm; Tiếp tục hỗ trợ kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường cho quận để thực hiện các dự án xử lý chất thải và khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các chương trình, dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Đông Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t