Long Biên: Triển khai nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử (13:35 01/12/2017)


HNP - Long Biên là mảnh đất có bề dày lịch sử, có hệ thống di tích dày đặc với nhiều loại hình văn hóa khác nhau. Từ khi thành lập đến nay, quận Long Biên luôn chú trọng công tác quản lý đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Nhờ đó, hệ thống các di tích trên địa bàn quận được bảo tồn; Nhiều giá trị nghệ thuật được công nhận, trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia, quốc tế.

Trên địa bàn quận Long Biên có 87 di tích gồm 39 chùa, 48 đình, đền, miếu...; trong số đó, có 58 di tích đã được xếp hạng, chiếm tỷ lệ 67%, có 34 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 24 di tích xếp hạng cấp thành phố, còn lại 29 di tích chưa xếp hạng. Tính đến năm 2017, trên địa bàn quận đã hoàn thành việc triển khai giám định cổ vật tại 87 di tích, định dạng hóa nội thất tại di tích, phối hợp tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lập 04 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 01 bảo vật quốc gia tượng đồng Trấn Vũ, 01 hồ sơ di sản văn hóa kéo co ngồi được UNESCO công nhận di sản văn hóa đại diện của nhân loại… Bên cạnh 87 di tích còn có 18 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.

Có được kết quả này là do quận Long Biên đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, quận đã thực hiện tốt Đề án "Tăng cường công tác quản lý - đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2013 - 2015". Công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được đẩy mạnh. Quận đã đẩy mạnh việc tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự tại di tích; tuyên truyền về giá trị của di sản văn hóa; công tác quản lý trật tự xây dựng; công tác phòng chống cháy nổ, phòng chống mất cắp cổ vật; bảo vệ cảnh quan môi trường di tích... qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bên cạnh đó, quận đã thực hiện kiện toàn Ban quản lý di tích tại 13 phường (1 phường không có di tích) và 44 Tiểu ban quản lý di tích để đảm bảo tính thống nhất chung trong công tác quản lý của 84 di tích trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn theo các chuyên đề cho 508 lượt học viên để trang bị những kiến thức cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Hàng năm, UBND quận đều thành lập tổ kiểm tra, giám sát tổ chức lễ hội. Kết quả 36/36 lễ hội được tổ chức an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra cháy nổ, mất cắp cổ vật, mê tín dị đoan, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, quận đã triển khai tu bổ, tôn tạo phục hồi 18 di tích, với tổng kinh phí hơn 292 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước Riêng trong năm 2017, quận đã đầu tư tu bổ tôn tạo 07 di tích với kinh phí hơn 100 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách.  Cùng với việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn ngân sách, công tác vận động bằng nguồn xã hội hóa cũng được triển khai. Trong các năm qua, trên địa bàn quận đã vận động  kinh phí xã hội hóa, tu bổ 06 di tích, với tổng kinh phí 54,7 tỷ đồng.

Bên cạnh công tác đầu tư tu bổ thì việc quản lý giá trị hiện vật, giá trị của di tích được quận đặc biệt quan tâm. Các công trình tu bổ đều giữ được những hiện vật, cổ vật; công trình có giá trị lớn về lịch sử, niên đại trước khi tu bổ, tôn tạo đều bắt buộc phải hội thảo khoa học do các nhà Sử học, các giáo sư đầu ngành và các nhà quản lý chuyên môn đóng góp ý kiến. Quá trình tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo các quy trình, trình tự đầu tư của Luật xây dựng, Luật Di sản văn hóa, Thông tư, Nghị định liên quan.

Tính đến hết năm 2016 trên địa bàn quận đã triển khai giám định cổ vật tại 87 di tích với trên 1838 cổ vật và trên 3000 hiện vật, đồ thờ tự, in và phát hành cuốn cổ vật trên địa bàn quận. Cùng với việc giám định cổ vật, UBND quận triển khai việc định dạng hóa nội thất tại di tích, sắp xếp bài trí đồ thờ đảm bảo theo truyền thống, hướng dẫn các tiểu ban không được tiếp nhận đồ thờ, hiện vật mới khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với các cơ sở tín ngưỡng UBND quận đã chỉ đạo lập hồ sơ và ra quyết định giao đất cho 45/48 cơ sở tín ngưỡng, đối tượng giao đất là Tiểu ban quản lý di tích. Đối với việc xây dựng trong khu vực di tích: Ngoài việc triển khai tu bổ, tôn tạo di tích theo quy trình và hồ sơ thiết kế, trên địa bàn quận không có hiện tượng xây dựng trong khu vực di tích, UBND quận thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát xử lý kịp thời các phát sinh liên quan đến xây dựng trong khu vực di tích.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, quận Long Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản của Trung ương và thành phố liên quan đến quản lý di sản văn hóa, tuyên truyền về giá trị di tích trên địa bàn quận,  nhất là tuyên truyền trong đối tượng học sinh, sinh viên để góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống của quê hương; ý thức bảo tồn giá trị các di tích trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ cở tín ngưỡng. Duy trì công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc tại cơ sở, nghiêm cấm việc tiếp nhận và đưa đồ thờ mới vào di tích. Ngoài ra, phối hợp với Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xếp hạng một số di tích trên địa bàn quận.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t