Hà Nội nỗ lực đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong đại dịch (15:38 25/03/2022)


HNP - Triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động (VSLĐ) trong bối cảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và Thành phố, các cấp các ngành Thủ đô đã nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn VSLĐ trên địa bàn.  

Người lao động Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) được làm việc trong môi trường an toàn.


Kịp thời đảm bảo quyền lợi người lao động
 
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện thị xã, Ban quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về An toàn, VSLĐ bằng các bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu tại các đơn vị nhà xưởng, nơi sản xuất, các trục đường chính; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
 
Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 1.215 lớp tập huấn cho 54.900 lượt cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động tại cơ sở.
 
Đại diện Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong năm 2021, toàn Thành phố đã có 91.495 cán bộ quản lý, công nhân, người lao động được tập huấn, huấn luyện về công tác AT, VSLĐ và 11.220 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định kỹ thuật an toàn; đã tiếp nhận khai báo 3.842 máy, thiết bị cho 576 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 1.125 lượt đơn vị với 197.268 thiết bị thuộc danh mục nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhập khẩu.
 
Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ, đơn vị đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam trợ cấp, tặng quà cho 05 công nhân lao động bị tai nạn lao động nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. LĐLĐ Thành phố đã tặng quà và trợ cấp cho 102 công nhân lao động bị tai nạn lao động. Thông qua hoạt động thăm hỏi, tặng quà của các cấp Công đoàn Thủ đô không những thể hiện được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn mà còn nâng cao được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó giúp người lao động, đoàn viên yên tâm lao động sản xuất và ngày càng tin tưởng, gắn bỏ với tổ chức Công đoàn.
 
Đáng chú ý, theo số liệu báo cáo của các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và qua quá trình điều tra tai nạn lao động năm 2021, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 275 vụ tai nạn lao động làm 298 người lao động bị nạn. Đoàn điều tra tai nạn lao động Thành phố đã điều tra và kết luận 23/27 vụ tai nạn lao động chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. 
 
Tiếp tục nâng cao ý thức về an toàn, VSLĐ
 
Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động (NLĐ), UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về an toàn lao động, VSLĐ thành phố Hà Nội năm 2022. Trong đó, Hà Nội xác định mục tiêu bảo đảm 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Hằng năm trung bình giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố. 
 
Thành phố cũng đặt mục tiêu có trên 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT, VSLĐ; người làm công tác AT, VSLĐ; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về AT, VSLĐ. Trên 80% số làng nghề, hơp tác xã làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về AT, VSLĐ.
 
Bên cạnh đó, tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý AT, VSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Bảo đảm 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
LĐLĐ huyện Gia Lâm trao hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19
 
Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19, số công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm bệnh (F0) tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động. Trước thực tế trên, LĐLĐ Thành phố đã yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm, tổ chức chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Thành phố, đặc biệt vào dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tới đây.
 
LĐLĐ TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2022 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ tổ chức kiểm tra ít nhất 700 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định liên quan đến người lao động. LĐLĐ Thành phố đặt chỉ tiêu phối hợp với các ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế để thanh, kiểm tra ít nhất 50 doanh nghiệp. LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền cùng cấp kiểm tra ít nhất 450 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t