Tái cấu trúc ngành chăn nuôi Hà Nội (17:26 29/09/2017)


HNP - Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Hà Nội đang dần chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi được hình thành, không những thúc đẩy tái cấu trúc ngành chăn nuôi, mà còn góp phần nâng giá trị gia tăng, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Phát huy thế mạnh

"Nhiều hộ dân ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) không còn lối chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung tự cấp như những năm trước. Giờ đây, người chăn nuôi đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại bài bản" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho hay. Theo ông Thắm, tại xã Cấn Hữu, nông dân đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, địa phương này đã có 219 trang trại, trong đó, có 100 trang trại tổng hợp, 109 trang trại chăn nuôi gà và 10 trang trại chăn nuôi lợn. Các trang trại có quy mô chăn nuôi gia cầm từ 5.000 con đến 4 vạn con/hộ, chủ yếu là nuôi gà đẻ. Đáng nói, không chỉ cho thu nhập tiền tỷ, các trang trại đã có liên kết với nhau trong cung ứng giống vật nuôi và tiêu thụ sản phẩm...

Tương tự, là nhiều địa phương trên địa bàn huyện Ứng Hòa cũng nhờ liên kết sản xuất đã giảm được tối đa những rủi ro trong chăn nuôi và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo giá lợn lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ: Địa phương tạo mọi điều kiện để phát huy thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, do vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định, trong đó, đàn lợn có 79.102 con, đàn bò có 10.765 con và 10.765 con gia cầm. Chủ trương của huyện Ứng Hòa, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Với nguồn giống chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi bảo đảm kết hợp với chủ động phòng chống dịch bệnh, huyện đang tiến tới xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường...

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, xác định rõ hướng phát triển, những năm qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Nét đặc trưng của chăn nuôi Hà Nội là phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm. Đến nay, thành phố đã xây dựng và phát triển ổn định 15 xã chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 10.955 con, chiếm 79,6% tổng đàn bò sữa toàn thành phố; sản lượng sữa đạt 75,4 tấn/ngày. Hình thành 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn 25.789 con, chiếm 19,6% tổng đàn bò thịt toàn thành phố; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với hơn 213.800 con, chiếm 12,07% tổng đàn lợn toàn thành phó; 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với gần 6 triệu con, chiếm 25,74% tổng đàn toàn thành phố. Ngoài ra, tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm đã hình thành 3.852 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 51 trang trại chăn nuôi bò sữa; 104 trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản; 1.086 trang trại chăn nuôi lớn; 2.611 trang trại chăn nuôi gia cầm.

Liên kết phát triển bền vững

Tuy vậy, trên địa bàn thành phố, phần lớn các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, dẫn đến không cạnh tranh được giá bán. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trước thực trạng trên, để xóa bỏ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dần hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành Nông nghiệp. Theo đó, cùng với triển khai thực hiện phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai thực hiện Dự án "Chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020" và kế hoạch phối hợp triển khai Dự án "Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế" trên địa bàn thành phố.

Với định hướng trên, thành phố tiếp tục củng cố 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trong đó, có 11 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò và 2 chuỗi tổng hợp. Các chuỗi này đã thu hút được gần 3.000 hộ chăn nuôi và gần 100 cơ sở bán hành, doanh nghiệp tham gia. Hằng ngày, các chuỗi đã cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, 296 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Đáng nói, thông qua xây dựng chuỗi, thành phố đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu chứng nhận nông sản, thực phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi Hà Nội theo hướng bền vững, hiệu quả.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung định hướng phát triển chăn nuôi thành vùng tập trung hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y; chú trọng chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi; quy hoạch trang trại chăn nuôi gắn với đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến; mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ trang trại.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong tái cấu trúc ngành chăn nuôi, cùng với đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để phát triển một cách bền vững, thành phố đã có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, chú trọng khâu sản xuất giống chất lượng, tuyển và lựa chọn công nghệ để đưa vào chăn nuôi... Qua đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t