Quận Hai Bà Trưng: Người có công với cách mạng, người yếu thế được phục vụ giải quyết TTHC tại nhà (20:28 05/09/2024)


HNP - Ngày 5/9, quận Hai Bà Trưng ra mắt mô hình “Phục vụ người có công với Cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà” trên địa bàn quận.  

Hỗ trợ các đối tượng thực hiện TTHC tại nhà tại phường Đồng Tâm


Theo đó, các đối tượng, gồm: Người có công với cách mạng, người yếu thế (người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và những trường hợp bất khả kháng) có đăng ký cư trú và sinh sống thực tế trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (theo danh sách và được thông báo đến các đối tượng được phục vụ) sẽ được phục vụ tại nhà khi có nhu cầu giao dịch tất cả các TTHC thuộc phạm vi giải quyết cấp quận và cấp phường được niêm yết công khai tại Bộ phận “Một cửa” quận và UBND 18 phường, Cổng thông tin điện tử quận, Trang thông tin điện tử 18 phường.

 

Thời hạn giải quyết các TTHC theo quy định áp dụng đối với từng TTHC cụ thể.

 

Tuyên truyền về Mô hình tại UBND phường Nguyễn Du

 

Quy trình thực hiện:

 

Bước 1: Người dân (có đăng ký cư trú và sinh sống thực tế trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) có yêu cầu tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà liên hệ trực tiếp đến số điện thoại hỗ trợ của UBND phường nơi người dân sinh sống.
 

Bước 2: Sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND phường, Tổ chuyển đổi số cộng đồng đến địa chỉ người dân đăng ký cư trú hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ, điền thông tin vào các biểu mẫu theo quy định và hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng để mức phí bằng không (không thu phí) theo Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội.

 

Đối với hồ sơ TTHC nộp trực tiếp, Tổ chuyển đổi số cộng đồng sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ từ người dân và bàn giao hồ sơ về Bộ phận “Một cửa”. Mức thu phí theo quy định hiện hành.

 

Bước 3: Kết quả giải quyết TTHC điện tử được trả cho người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố, trừ trường hợp TTHC theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải có mặt để trực tiếp nhận kết quả.

 

Bước 4: Kết quả giải quyết TTHC bằng bản giấy được gửi đến người dân thông qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng nơi người dân đăng ký cư trú.

 

Mức thu phí, lệ phí: Theo quy định hiện hành.

 

Ngay trong ngày đầu ra mắt Mô hình, phường Lê Đại Hành hỗ trợ 01 trường hợp người yếu thế là bà Chu Thị Được, sống tại 44 Đại Cồ Việt, thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký tại nhà (ủy quyền lĩnh lương hưu). Phường Đồng Tâm thực hiện hỗ trợ giải quyết TTHC tại nhà cho 7 trường hợp thuộc đối tượng người có công cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng” trên địa bàn phường, trong đó, 5 trường hợp làm thủ tục ủy quyền, 2 trường hợp xác nhận Tình trạng hôn nhân.

 

Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn người dân điền thông tin TTHC

 

Theo kết quả rà soát, tính đến ngày 5/9/2024, trên địa bàn quận có 3.051 đối tượng là người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng được tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà.
 

Để triển khai thực hiện, quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức bổ sung, chốt các đối tượng quy định vào ngày 5 hàng tháng. Đồng thời, thành lập mỗi phường 1 nhóm Zalo để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, thành phần gồm: Phó Chủ tịch quận, lãnh đạo các phòng chuyên môn, lãnh đạo UBND phường, công chức bộ phận “Một cửa”, Tổ chuyển đổi số cộng đồng.

 

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền Mô hình trên các phương tiện thông tin, công khai danh sách các đối tượng được phục vụ trên các phương tiện truyền thông của phường, quận; tổ chức đợt ra quân cao điểm 30 ngày triển khai thực hiện Mô hình “Phục vụ người có công với Cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà” trên địa bàn quận.

 

Việc triển khai Mô hình nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách TTHC năm 2024. Đồng thời, áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả để thí điểm triển khai một số nhiệm vụ cải cách TTHC của quận năm 2024, tạo đà để triển khai nhân rộng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

 

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với phương châm: “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc và tinh thần tương thân, tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.


Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t