Gia Lâm đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động thời kỳ CNH-HĐH (11:12 11/06/2019)


HNP - Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013, của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong 5 năm qua, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm trong đảm bảo ATVSLĐ đã từng bước được nâng cao, góp phần phát triển ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có trên 2.400 doanh nghiệp; số lao động tham gia hoạt động kinh tế 139.510 người, số lao động có việc làm 138.945 người. Thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW, Huyện Gia Lâm đã nghiêm túc chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu, triển khai quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện tới các đảng viên trong đảng bộ, chi bộ phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Huyện đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATVSLĐ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức. Cụ thể, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tổ chức thông tin, tuyên truyền hưởng ứng các hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm. Đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng hành động về ATVSLĐ tại huyện, ba cụm công nghiệp và 22 xã, thị trấn, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; tổ chức phát thanh tuyên truyền về nội dung về Luật An toàn, vệ sinh lao động các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, các biện pháp PCCC, các kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ, PCCC tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện,...

Cùng với tuyên truyền, huyện đã tăng cường đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động. Theo đó, công tác huấn luyện ATVSLĐ, PCCC được các cơ sở, doanh nghiệp quan tâm, nhất là ở những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. UBND huyện còn phối hợp với Sở lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức 02 lớp tập huấn công tác ATVSLĐ cho trên 200 lượt người của các xã, thị trấn và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC - Công an huyện đã tổ chức 162 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 16.557 lượt cán bộ, công nhân viên tham gia.

Đáng chú ý, một số đơn vị, doanh nghiệp đã chú trọng công tác nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đảm bảo có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, các trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động; đã tạo năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. 


Kết quả, sau 5 năm triển khai thực hiện, tình hình ATVSLĐ tại các đơn vị được kiểm tra hàng năm có bước chuyển biến: Các đơn vị đều có hoạt động kinh doanh khá ổn định, nộp ngân sách đúng quy định; Việc ký kết hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng lao động đảm bảo theo quy định của pháp luật; Chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng và một số chế độ khác (phụ cấp làm ca, làm thêm giờ, tiền ăn trưa, xăng xe,...) của người lao động được đảm bảo; chưa có trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động phải bồi thường thiệt hại; Người lao động được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và được hưởng đầy đủ các chế độ ốm đau, thai sản,...). Ngoài ra, người lao động được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động; Đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động. Đặc biệt, không để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn huyện cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức và tạo điều kiện để cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về ATVSLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ, có nơi chưa thường xuyên giám sát kiểm tra, bố trí cán bộ không đủ năng lực làm công tác ATVSLĐ. Kiến thức và ý thức chấp hành các quy trình, kỷ luật vận hành của một số người lao động chưa cao, không sử dụng đúng và đủ các phương tiện trang bị bảo hộ lao động được cấp.

Nhiều hoạt động chưa được thực hiện định kỳ theo quy định, trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân và trang thiết bị PCCC chưa đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, công tác kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy chưa được doanh nghiệp quan tâm; Cán bộ Lao động - TB&XH phụ trách từ huyện đến các xã, thị trấn phần lớn là kiêm nhiệm, trong khi số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn là rất lớn và thường xuyên biến động nên khó kiểm soát công tác ATVSLĐ, tai nạn lao động của cơ sở; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ tuy đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nhưng chưa được thực hiện sâu, rộng, triệt để, nhất là ở khối Hợp tác xã, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân.

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường được công tác quản lý nhà nước về AT,VSLĐ, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của thành phố và cấp trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về AT,VSLĐ trên địa bàn; Tăng cường công tác huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về công tác AT,VSLĐ, đặc biệt quan tâm đến các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động làm việc ở các làng nghề truyền thống, người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng như nội quy, quy trình, quy phạm đảm bảo AT,VSLĐ trong quá trình làm việc.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về AT, VSLĐ, nhất là xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tái phạm. Phân cấp, giao trách nhiệm đối với các Ban quản lý khu, cụm công nghiệp trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về ATVSLĐ. Tiếp tục mở các lớp huấn luyện, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ AT,VSLĐ cho cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã, các đơn vị, doanh nghiệp để triển khai, tuyên truyền đến người lao động.


Nhật Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t