Thêm sức sống mới cho tranh dân gian (13:40 30/11/2018)


HNP - Nhằm đưa tranh dân gian đi vào cuộc sống, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp nhóm "Cùng bé sáng tạo" đã tìm cách đưa những hình tượng tranh dân gian Kim Hoàng vào cuộc sống. Đó là những thiết kế mới lạ từ sản phẩm tượng gốm, tranh đậu bạc, cho đến bát đĩa, lọ hoa và thời trang.

Gian trưng bày tại triển lãm


Những ngày cuối năm, khách tham quan lần đầu được chứng kiến những sản phẩm đặc biệt "bước ra" từ tranh dân gian tại triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng" trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là những chú lợn gốm Biên Hòa nhưng làm theo mẫu của tranh Kim Hoàng, chú lợn trong tranh Kim Hoàng giữ nguyên được sự khỏe khoắn... Để thực hiện dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng, Ban tổ chức đã làm việc với các nghệ nhân gốm Lái Thiêu thử nghiệm rất nhiều mẫu trước khi đưa ra được những mẫu thành công, giữ được "chất" của tranh Kim Hoàng. 
 
Các chuyên gia của dự án đã phối hợp Nghệ nhân chuyển thể tranh "Lợn độc" lên chất liệu bạc, sử dụng kỹ thuật đậu bạc của làng nghề Định Công. Đậu bạc là kỹ thuật kéo sợi bạc nhỏ như tơ, sau đó hai sợi bạc lại được se lại với nhau, đập bẹp ra. Người thợ bạc dùng những sợi bạc mong manh này để chế tác sản phẩm. Chính kỹ thuật này tạo lên độ khúc xạ ánh sáng đến từng chi tiết của sản phẩm đậu bạc. Trên nền đen, hình ảnh "Lợn độc" trở nên sang trọng. Sản phẩm này cho thấy, hình tượng trong tranh dân gian hoàn toàn có thể đi vào trang trí nội thất ở mức độ cao cấp nhất.
 
Nhiều người vẫn nghĩ tranh dân gian thường chỉ là tranh vẽ, tranh in trên chất liệu giấy dó, hoặc giấy bồi. Nhưng triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng" đã làm nhiều người phải bất ngờ. Rất nhiều hình tượng tranh dân gian được khai thác đưa vào các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống đương đại. Ngoài sản phẩm "Lợn độc" chuyển thể sang tượng gốm, tranh đậu bạc, còn có các sản phẩm như: Đồ gốm sứ gia dụng sử dụng như lọ hoa, bát đĩa..., đồ trang trí đương đại trên gỗ, chặn giấy, gối dựa lưng... đều khai thác các họa tiết từ tranh Kim Hoàng. Nhưng độc đáo hơn cả là màn trình diễn thời trang của những "người mẫu nhí", với các thiết kế đều sử dụng họa tiết từ tranh Kim Hoàng. Đặc biệt hơn, đây không phải những thiết kế của người lớn. 27 bộ trang phục được trình diễn đều là sản phẩm do các bạn thiếu nhi sáng tác.
 
Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và nhóm Cùng bé sáng tạo đã có sự chuẩn bị lâu dài cho cuộc ra mắt của những sản phẩm đương đại mang hơi thở truyền thống. Song song với kết nối với các nghệ nhân để nghiên cứu, chế tác sản phẩm từ họa tiết tranh Kim Hoàng, nhóm Cùng bé sáng tạo do họa sĩ Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Hà Nội) phụ trách đã phát động một cuộc thi thiết kế trang phục; thiết kế sách vở, dụng cụ học tập; tranh vẽ... sử dụng chất liệu là những hình tượng trong tranh dân gian Kim Hoàng. Sau ba tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi của các bạn nhỏ trên địa bàn Hà Nội; trong đó, có khoảng 200 tác phẩm là tranh vẽ, 30 mẫu thiết kế thời trang và 45 mẫu thiết kế các sản phẩm khác (bưu thiếp, túi xách, khăn…). 
 
Theo họa sĩ Trang Thanh Hiền, các tác phẩm tham gia cuộc thi đã cho thấy, các bạn nhỏ không sao chép hình ảnh một cách thụ động mà có những biến hóa linh hoạt theo cảm nhận riêng. Các bài thi thể hiện sự vận dụng sáng tạo những chi tiết đắt giá của tranh dân gian Kim Hoàng trong việc thiết kế các mẫu trang phục, đồ dùng... Từ những dự thi bài này, Ban Giám khảo chấm giải, chọn ra những mẫu đặc sắc nhất để may trang phục cho các bé, cũng như làm mô hình một số mẫu có tính ứng dụng cao.
 
Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: Muốn tranh dân gian "sống" được thì song song với khôi phục, bảo tồn nguyên gốc kỹ thuật, các mẫu tranh cổ, thì cần phải có biện pháp đưa nó vào đời sống đương đại. Đó là cách để kho tàng nghệ thuật truyền thống tìm được chỗ đứng trong cuộc sống. Nếu những hình tượng này được phổ biến, nó sẽ tác động tích cực lại việc bảo tồn nguyên gốc. Chỉ có như vậy người nghệ nhân mới có thể bán được tranh, gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, dự án lần này còn chú trọng đến thế hệ trẻ. Bởi đó là biện pháp "ươm mầm" tình yêu. Biết đến tranh dân gian từ khi còn nhỏ, lớn lên các em ít nhiều sẽ dành tình cảm, sự quan tâm đến mỹ thuật truyền thống. 
 
Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng" cho thấy một bước tiến mới, khi những họa tiết, hình tượng tranh Kim Hoàng được ứng dụng một cách đa dạng hơn, trên nhiều chất liệu, nhiều sản phẩm khác nhau. Đây là những hướng đi cần được quan tâm, phát triển để bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian. Đưa tranh dân gian có thể đi vào cuộc sống, giúp tranh dân gian tìm được sức sống mới trong cuộc sống đương đại.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t