Ngăn chặn dịch lây lan và không gây ô nhiễm môi trường (10:29 18/03/2022)


HNP - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh từng ngày, kéo theo lượng chất thải y tế từ các hộ gia đình F0 tăng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo quản lý chất thải đúng quy trình để ngăn chặn dịch lây lan và không gây ô nhiễm môi trường. Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái xung quanh nội dung này.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái


- Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những công việc gì, thưa ông?
 
Có thể nói, việc điều trị các F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải bảo đảm kịp thời và an toàn. Thực hiện chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành Phương án 01/PA-UBND về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. 
 
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng cao, để bảo đảm an toàn môi trường, tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản 1412/STNMT-CCBVMT đề nghị tăng cường thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. 
 
Qua theo dõi, nhiệm vụ này đang được các cấp chính quyền địa phương của thành phố thực hiện rất quyết liệt. Trong đó, các quận, huyện, thị xã đã tăng cường việc hướng dẫn, tuyên truyền, giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại khu vực cách ly, phong tỏa, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0, các trường hợp cách ly điều trị tại nhà.
 
Còn tại cơ sở, các xã, phường, thị trấn, đội phòng dịch cơ động cũng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn để không tồn đọng chất thải có nguy cơ lây nhiễm tồn đọng trong dân cư, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, gây bức xúc dân sinh. 
 
Mặt khác, các địa phương cũng chỉ đạo sát sao các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm trên địa bàn kịp thời thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại lây nhiễm phát sinh trên địa bàn; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm các quy định về quản lý chất thải…
 
- Ông có thể nói rõ hơn cách phân loại rác thải, thu gom, vận chuyển chất thải trong quá trình điều trị F0 tại nhà để bảo đảm không phát tán mầm bệnh?
 
- Về việc này, trong các văn bản chỉ đạo của thành phố, của Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn rất cụ thể. Tất cả các loại rác thải như: Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ (các vật dụng: ly, chén, dĩa, hộp bằng giấy, nhựa dùng trong ăn uống) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid-19 cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương. Đây là quy định đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
 
- Thưa ông, với quyết tâm cao của thành phố, các F0 điều trị tại nhà đang được chăm sóc và thực hiện đúng quy trình góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu bây giờ đó là làm thế nào để đáp ứng nguồn lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đạt hiệu quả cao?
 
- Như đã trao đổi ở trên, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại riêng biệt, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với chất thải sinh hoạt; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp vệ sinh môi trường để xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà… 
 
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại lây nhiễm theo đúng lịch trình đã ký với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và theo đúng chủng loại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, quy trình xử lý theo đúng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; đặc biệt phải ưu tiên xử lý trong ngày. Đồng thời, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã trong việc giám sát để kịp thời báo cáo các địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại và lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.
 
Theo tôi, bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn, lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường của thành phố, thì rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
 
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t