Giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường (13:09 17/03/2018)


HNP - Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31/5/2017, của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo đô thị của Hà Nội ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ có vậy, Hà Nội còn giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống trong lành cho người dân.

Người dân ngoại thành Hà Nội xây dựng hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi


Nhiều chuyển biến tích cực

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra bước chuyển căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Nghị quyết đặt ra một số chỉ tiêu chính với 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện ngay và 4 giải pháp chủ yếu nhằm đặt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3/7/2017 triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và cụ thể.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác bảo vệ môi trường của thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều này thể hiện ở chỗ, thành phố đã tập trung triển khai khối lượng công việc khá lớn để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường. Tận dụng các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường, khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Để làm được những việc nêu trên, các cấp, các ngành thành phố đã vào cuộc tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ, trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nỗ lực rất nhiều. Theo đó, triển khai nghị quyết, kế hoạch của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn...

Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được quan tâm chú trọng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn và cuộc thi về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường cũng được tổ chức nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân như các hoạt động hưởng ứng "Ngày Môi trường thế giới", "Làm cho Thế giới sạch hơn", "Giờ Trái đất"...

Bám sát 13 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm (chia làm 20 lĩnh vực cụ thể) thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các chương trình, kế hoạch để thể chế hóa thành các chính sách, quy định, quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

Nhằm tạo ra bước chuyển căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, thành phố cũng đề ra một số chỉ tiêu, cụ thể đối với chất thải rắn phát sinh, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt từ 95%-100%; phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%. Thành phố phấn đấu thu gom 100% và xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp, trong đó, 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định. Tương tự, với môi trường nước, thành phố tập trung xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô. Đến năm 2020, hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ; 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% số hộ có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn Việt Nam; 100% các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trong đó, bệnh viện tuyến trung ương khoảng 90%. Với môi trường làng nghề, thành phố tập trung quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung; các hộ có nghề có nguồn xả thải phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Còn với môi trường không khí, thành phố yêu cầu 100% các công trường xây dựng áp dụng các biện pháp giảm bụi; 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có các giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo quy định hiện hành; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phát sinh khí thải phải trang bị và hoạt động thường xuyên thiết bị giảm ô nhiễm môi trường không khí.

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bảo vệ môi trường nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước; quản lý tốt các nguồn xả thải; cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hòa mới và bảo vệ kiến trúc, cảnh quan môi trường của Thủ đô. Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại. Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở các khu vực nội thành. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả 4 giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường. Tập trung các nguồn lực và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đề án tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường... Cùng với đó, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức với quy mô lớn nhằm tuyên truyền tới người dân nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

Với những giải pháp đã và đang được thành phố tích cực triển khai, chắc chắn công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội sẽ được cải thiện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t