Ngành nông nghiệp thủ đô ứng phó với biến đổi khí hậu (21:14 05/12/2017)


HNP - Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là câu chuyện xa xôi mà nó đã tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân thủ đô. Để thích ứng với BĐKH, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các dự án về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống phù hợp, thích ứng với BĐKH của từng địa phương.

Ngành nông nghiệp cũng nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào thực tế sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, các giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính và thích nghi với BĐKH. Ưu tiên các giống vật nuôi có tính thích ứng cao với môi trường sống rộng, phòng, chống, dịch bệnh cho vật nuôi. Gắn vật nuôi với phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, đồng thời, xử lý phân thải súc vật (đẩy mạnh triển khai thực hiện dự án khí sinh học biogas).
 
Để giảm thiểu việc sử dụng các chất hóa học, giảm các chất ô nhiễm phát thải vào trong không khí, ngành nông nghiệp đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn áp dụng quy trình VIETGAP trong trồng trọt, trong đó, sử dụng biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu; sử dụng nước tiết kiệm;... Triển khai mở rộng việc ứng dụng hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) trên lúa liên quan đến BĐKH do khả năng chịu hạn, chống đổ ngã, chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận và dịch hại của cây lúa được tăng cường, năng suất lúa tăng và ổn định.
 
Một trong những giải pháp quan trọng thành phố tập trung đầu tư là giữ vững diện tích rừng đang có, đồng thời, triển khai các dự án trồng rừng, phát triển diện tích rừng ở các huyện, thị xã. Đến nay, đã thực hiện các dự án nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ của rừng. Xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chống phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng, trồng rừng (trồng mới, trồng nâng cấp) và làm giàu rừng. Xây dựng chương trình sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc tạo việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo…
 
Để ứng phó với mưa lũ thất thường và hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, ngành nông nghiệp đã tổ chức đánh giá hiện trạng và xác định khả năng ứng phó với BĐKH của các hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống đê kè trên địa bàn thành phố. Đồng thời dự báo về tác động của thiên tai có xét đến BĐKH và ảnh hưởng đến lĩnh vực thủy lợi, đê kè cũng như đời sống nhân dân.
 
Để đảm bảo lượng nước phục vụ cây trồng vật nuôi, ngành đã nghiên cứu, xây dựng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng cơ chế thúc đẩy việc bảo vệ, quản lý vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo chủ động lấy nước phục vụ sản xuất trong điều kiện nguồn nước bị thiếu. Đặc biệt trong những năm qua đã tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở hạ tầng thủy lợi, tu bổ đê kè có xét đến BĐKH, đồng thời có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hợp lý cho các hoạt động duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đê kè. 
 
Ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện 18 danh mục dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện chủ động ứng phó với BĐKH, như triển khai dự án nâng cấp đê Vân Cốc đảm bảo yêu cầu chống lũ, dự án đã được triển khai hoàn thành 75% khối lượng đặt ra. Ngoài ra còn phải kể đến dự án xử lý tổng thể khu vực thắt hẹp sông Đuống, dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê sông Công kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn Trung Giã, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, huyện Từ Liêm….
 
Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cũng tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Như mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ của Hợp tác xã Ðan Hoài (huyện Ðan Phượng), mô hình trồng nấm ở huyện Mỹ Ðức, mô hình chăn nuôi lợn rừng và trồng rau hữu cơ bản địa dưới tán rừng ở huyện Thạch Thất, mô hình nuôi lợn sinh học tại Thanh Oai… Các mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cao mà còn có sự ổn định bền vững, không phát sinh khí thải chất thải đồng thời ít chịu ảnh hưởng bởi BĐKH.
 
Hiện, ngành nông nghiệp của thành phố đang tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của thành phố giai đoạn 2017-2020 trong lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản. Theo đó, tập trung khảo nghiệm, tuyển chọn đưa ra diện rộng các giống cây trồng, vật nuôi, các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính và thích nghi với BĐKH, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, canh tác thân thiện với môi trường. Chú trọng phát hiện, phòng trừ các loại dịch bệnh mới do BĐKH. Áp dụng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh thích hợp để phòng chống và dập dịch bệnh trong điều kiện thay đổi của khí hậu…
 
Ngoài ra, đẩy mạnh bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có bằng cách tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng; hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t