Tôn tạo, tu bổ các di tích: Cần nguồn lực tập trung, tránh dàn trải (14:33 30/08/2017)


HNP - Thành phố Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, trong đó hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng. Dù thành phố và các quận, huyện, thị xã có quan tâm, bố trí nguồn lực tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, song số lượng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ, tôn tạo vẫn còn khá lớn. Trong lúc ngân sách cho đầu tư công hạn hẹp, thành phố và các địa phương cần ưu tiên nguồn lực tập trung tu bổ, tôn tạo các công trình trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải; tăng cường kêu gọi xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả các giá trị của di tích.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, gần 6.000 di tích phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã gồm các loại hình như đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ, thành cổ, khảo cổ, quần thể danh thắng. Trong đó, các địa phương có nhiều di tích là huyện Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích). Hầu hết các di tích được xây dựng lâu đời, cùng với xâm hại khác như mưa lớn, nắng gắt hay mối mọt xâm thực…nên nhiều di tích xuống cấp trầm trọng. Là địa phương có số di tích lớn nhất cả nước, những năm qua, thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao là cơ quan chủ quản phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tiến hành tu bổ, tôn tạo và giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, nhiều địa phương có số lượng di tích xuống cấp, hư hại khá lớn, trong khi thiếu nguồn lực, bố trí ngân sách dàn trải, mới chỉ phục vụ việc sửa chữa, chằng chống, chứ tôn tạo, tu bổ thì chưa được nhiều. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu, huyện có hơn 400 di tích, đa số trải qua chiến tranh và sự bào mòn của thời gian nên mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp. Giai đoạn 2010 - 2011, thành phố và huyện đã đầu tư, tu bổ tôn tạo 2 di tích gồm Chùa Đậu và Đình Khánh Vân với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 - 2015, một số di tích được UBND huyện hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp (từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/di tích) và năm 2017, huyện đầu tư, tôn tạo cho một số di tích với số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng. Hiện tại, huyện còn 16 di tích cấp quốc gia và thành phố đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ cấp thiết như: Chùa Pháp Vân, Đình Đình Tổ, Đình Lam Sơn, Đền Ngũ Xá, Đình Hạ, Đền An Lãng, Đình An Định, Đình An Duyên, Lăng đá Quận Vân, Đình Phúc Trạch… Huyện Ứng Hòa cũng có hơn 400 di tích, nhưng có đến 25 di tích xuống cấp nghiêm trọng (18 di tích có nguy cơ đổ sập), nhưng nguồn lực thì không có để đầu tư, nâng cấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Hồng Dân thông tin, huyện có nguồn thu thấp, chưa tự cân đối được thu-chi, nên việc bố trí cho tôn tạo, tu bổ các di tích rất khó khăn. Trước nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, năm 2016 thành phố có bố trí vốn cho huyện hơn 5 tỷ để tu bổ cho 4 công trình di tích, nhưng đến nay, mới có 1 di tích thực hiện theo kế hoạch. Bởi, nếu tu bổ mỗi di tích cả chục tỷ đồng, nhưng ngân sách bố trí ít, công trình dỡ ra sẽ dở dang, nên các cơ sở không đồng ý phương án tu bổ, nên nguồn ngân sách đó lại chuyển sang cho năm 2017. Tương tự, huyện Đông Anh cũng có 25 di tích đình, chùa có tuổi đời hàng trăm năm, có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có nguồn kinh phí tu bổ; huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ cũng có hàng chục di tích xuống cấp cần tôn tạo, tu bổ.

Qua giám sát ở một số quận, huyện về công tác tôn tạo, tu bổ các di tích, nhiều thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nhận định rằng, việc tu bổ di tích hiện nay mới chỉ tập trung vào di tích chính nổi tiếng, mà hầu hết các di tích không được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng, từ nội thất tới ngoại thất. Ngoài ra, ở một số chùa, sư trụ trì huy động nguồn công đức, tự ý tu bổ không xin phép dẫn đến việc chắp vá hoặc làm mất yếu tố gốc của di tích, không theo kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư chưa ý thức được tầm quan trọng của các di tích văn hóa trong đời sống xã hội, lấn chiếm trong nội tự như chùa Quang Minh, chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), chùa Vĩnh Trù (quận Hoàn Kiếm), làm giảm giá trị di tích. Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, để thực hiện tốt việc tu bổ, tôn tạo các các di tích, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo làm tốt công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng. Cùng với xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với các di tích xếp hạng bị xuống cấp, các quận, huyện, thị xã cần huy động các nguồn xã hội hóa. Việc sử dụng nguồn xã hội hóa tu bổ cũng phải phù hợp, tránh phá vỡ kiến trúc, công trình cổ truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám và Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Hồng Dân cũng đồng tình với việc cấp huyện cần thống kê, rà soát các di tích bị xuống cấp để cân đối, bố trí, huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo. Song để hiệu quả, bà Nguyễn Thị Tám và ông Nguyễn Hồng Dân cũng đề nghị, việc bố trí vốn cần tập trung, tránh dàn trải và mỗi năm thực hiện tu bổ tôn tạo được từ 2 đến 3 công trình “có tấm, có món”, còn hơn dải cả chục công trình, dẫn đến dở dang, tuổi thọ việc tu bổ không bền.

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến, thực tế, nhiều địa phương chưa chủ động nguồn lực để đầu tư tu bổ, còn ỷ lại vào nguồn lực của cấp trên. Do vậy, tại một số làng, xã còn tư tưởng “tiền của dân thì dân tự làm” nên vẫn còn tồn tại hiện tượng tự ý phá bỏ di tích để xây mới. Vì vậy, để quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích hiệu quả, phù hợp, các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc quản lý di tích của cấp xã phường, cơ sở, kịp thời chỉ đạo, xử lý các hiện tượng xuống cấp, hư hại, xâm hại di tích theo thẩm quyền.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t