Hà Nội: Thực hiện hiệu quả chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em (21:24 07/01/2017)


HNP - Những năm gần đây, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được Thành phố chú trọng. Nhờ vậy, qua 5 năm triển khai chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 2 tiêu chí về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp cũng tăng qua các năm.

Cuộc Chạy Vì trẻ em năm 2016


Truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ và chăm sóc trẻ em
 
Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai suốt trong những năm vừa qua. Trong đó đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức hàng chục chiến dịch truyền thông, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng và trường học cho gần 10.000 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trên địa bàn. Các buổi nói chuyện tập trung vào chủ đề phòng, chống xâm hại, lạm dụng trẻ em; phòng, chống HIV/AIDS; phòng ngừa trẻ em lao động sớm, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, một số cơ quan báo chí xây dựng hàng chục chuyên đề, phóng sự tiêu điểm tuyên truyền về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em…
 
Không chỉ ở cấp Thành phố, 100% các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức truyền thông trên hệ thống phát thanh phường, xã về các hoạt động về phòng, chống xâm hại, lạm dụng trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ… Nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Theo báo cáo từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, trong 5 năm (2011 - 2015) đã có hơn 600 nghìn các ấn phẩm truyền thông (pano, áp phích, tờ rơi, sách mỏng) được in ấn, cấp phát đến người dân. Đã có hơn 17 triệu lượt người được tiếp cận các hình thức truyền thông, vận động. Một số đơn vị triển khai tích cực công tác truyền thông như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Long Biên…
 
Việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã góp phần giúp TP Hà Nội cơ bản hoàn thành 2 tiêu chí về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp dưới nhiều hình thức tăng qua các năm (năm 2011 đạt 97,3%; năm 2016 đạt 99,2%). Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng tăng qua các năm (năm 2011 đạt 85%; năm 2015 đạt 95,25%).
 
Phát triển hệ thống dịch vụ và nhân rộng mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em
 
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn Thành phố hiện có 1 Trung tâm công tác xã hội; 40 cơ sở trợ giúp trẻ em, trong đó có 18 cơ sở trợ giúp trẻ em công lập và 22 cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập. Tháng 3/2014, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội chính thức được thành lập nhằm hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hiện, Trung tâm duy trì công tác trực 24h/24h vào tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7 và Chủ nhật cùng các ngày lễ. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố hiện cũng có 172 điểm tham vấn, tư vấn cho trẻ em tại cộng đồng, trường học… Năm 2016, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền và hiện vật lên đến 11,977 tỷ đồng.
 
Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đều ban hành hướng dẫn thực hiện các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, đầu tư kinh phí thực hiện các mô hình tại các địa bàn trọng điểm bằng nhiều kinh phí khác nhau. Năm 2011, toàn Thành phố đã triển khai thực hiện 23 mô hình bảo vệ và chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng; năm 2012 triển khai thực hiện 15 mô hình; năm 2013 triển khai thực hiện 22 mô hình; năm 2014 triển khai thực hiện 19 mô hình; năm 2015 triển khai thực hiện 9 mô hình; đặc biệt, năm 2016 triển khai thực hiện 5 mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở các địa bàn trọng điểm.
 
Đối với các đơn vị thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng bằng nguồn ngân sách Thành phố và do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đều thành lập Ban quản lý từ Thành phố đến cơ sở và xây dựng mạng lưới cộng tác viên nòng cốt bao gồm 20 thành viên là tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ hưu trí tham gia. Ngoài ra một số địa bàn trọng điểm đã hình thành mạng lưới tình nguyện viên là trẻ em nòng cốt gồm 15 đến 20 trẻ/địa bàn. Nhóm trẻ này được tham gia vào các hoạt động của Dự án bảo vệ và chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng.
 
Tại một số đơn vị thực hiện mô hình điểm, Sở cho thí điểm ban hành sổ theo dõi trẻ em trong hộ gia đình; hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ghi chép thông tin, quản lý dữ liệu trẻ em trên địa bàn… Trong khi đó, Công an TP Hà Nội cũng duy trì mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy… tại cộng đồng và trẻ em tại trường giáo dưỡng.
 
Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà, chính vì vậy toàn Thành phố, chính quyền các cấp, gia đình và xã hội đã và đang chung tay bảo vệ những mầm xanh tương lai của đất nước. Bởi, bảo vệ trẻ em hôm nay là vì sự phát triển của thế giới ngày mai.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t