Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 (06:20 07/04/2022)


HNP - Chiều 6/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022. Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng và Phó Giám đốc Phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì buổi họp báo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành; một số quận, huyện liên quan.

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng phát biểu tại buổi họp báo


Mở đầu buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, đến thời điểm này, có thể đánh giá Thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19. Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước). Thành phố từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh; quan trọng đã thực hiện tốt các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch; tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm; đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng vắc xin mũi 2, 3; tăng cường ứng dụng CNTT, giải quyết cơ bản TTHC cho người dân. Công tác truyền thông nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch của người dân được chú trọng. Bắt đầu từ sáng ngày 6/4/2022, học sinh từ lớp 01 đến lớp 6 đã được đi học trực tiếp trở lại ở cả 30 quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kiểm soát dịch và sự tự nguyện, đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh. 
 
Quang cảnh buổi họp báo
 
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của địch Covid-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn Quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần TP Hồ Chí Minh (1,88%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,15%, Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đã tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.
 
Đáng chú ý, các cân đối lớn được đảm bảo, thu đảm bảo chi, cụ thể: Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện Quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Về giải ngân XDCB, tính đến hết ngày 31/3/2022, toàn Thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Thành phố đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; Kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và Quý II/2022, tại Hội nghị giao ban trực tuyến UBND Thành phố Quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và Quý II/2022, đồng chí Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Quý I, thực hiện các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm, đồng thời, bám sát diễn biến thị trường thế giới và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine để dự báo tình hình và kịp thời có giải để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Các cấp, ngành, địa phương, đứng đầu là cấp trưởng các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo.
 
Phó Giám đốc Phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại buổi họp báo
 
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các ngành, các cấp tập trung bám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH quan trọng đặt ra với địa bàn Thủ đô; các quyết định, quy định mới của UBND Thành phố. Cần kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ phục vụ tổ chức thành công SEA Games 31: từ khâu tổ chức, đảm bảo tốt nhất về điều kiện, cơ sở vật chất, nhà thi đấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.... 
 
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ (quý I tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%). Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch đầu tư năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tháo gỡ ngay các khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư. 
 
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết triệt để đơn thư KNTC tại cơ sở, tránh phát sinh thành “điểm nóng”, đoàn khiếu kiện đông người tập trung tại trụ sở các cơ quan TW và Thành phố, đặc biệt tại các kỳ cuộc quan trọng của TW và Thành phố. Đảm bảo nguyên tắc mọi đơn thư, KNTC, kiến nghị, phản ánh phải được giải quyết đúng pháp luật ngay từ khi phát sinh, không cố tình kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc dư luận, mất ổn định xã hội; coi kết quả này là tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, tổ chức...
 
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Trong kế hoạch khắc phục hạn chế phòng chống dịch vừa qua, Thành phố đã thừa nhận có bị động, lúng túng trong chống dịch gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài việc rút kinh nghiệm, Thành phố có xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, cụ thể gây tình trạng này không?.
 
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh trả lời các câu hỏi của phóng viên
 
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương chia sẻ, dịch Covid-19 là đại dịch xảy ra trên toàn thế giới, trong đó, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch. Đại dịch xảy ra chưa có tiền lệ, vì vậy, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch thì Thành phố vừa làm theo chỉ đạo vừa rút kinh nghiệm những việc chưa tốt. Vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành văn Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 31/3/2022 về việc khắc phục những hạn chế khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch. Kế hoạch này đã chỉ rõ những nội dung, địa bàn cần khắc phục, nhiệm vụ cần thực hiện, giải pháp và giao cụ thể cho UBND các quận, huyện, thị xã triển khai.
 
Đại diện Sở GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường khi thành phố chưa tiêm vắc xin liệu có bảo đảm an toàn hay không, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo thống kê của Sở thì đến nay có hơn 92% học sinh Tiểu học đến trường; Trung THCS là 93,2% và THPT là 96%. Điều đó cho thấy phụ huynh rất đồng thuận trong việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra 3 lý do tham mưu UBND thành phố cho học sinh trở lại trường. Thứ nhất, đến nay, thành phố Hà Nội đã qua đỉnh dịch nên việc học tập trung tại trường sẽ ít nguy cơ lây lan hơn so với giai đoạn trước đây. Thứ hai, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thì hơn 75% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Thứ ba, thời gian qua, các em học sinh học trực tuyến quá lâu và chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa kết thúc năm học, vì thế, đây là thời điểm “vàng” để các nhà trường củng cố kiến thức cho học sinh khi học trực tiếp.
 
Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, đại diện Sở Y tế cho biết thành phố đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho các đối tượng này và đang chờ Bộ Y tế phân giao vắc xin sẽ triển khai ngay. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tiếp tại trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn liên ngành để các nhà trường có các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh; đồng thời, chỉ đạo các địa phương thành lập Tổ hỗ trợ Covid-19 tại trường học để hỗ trợ nhà trường.
 
Lãnh đạo Sở Công thương trả lời tại buổi họp báo
 
Trả lời câu hỏi TP Hà Nội có chương trình gì để thu hút du lịch nhân sự kiện SEA Games 31, đại diện Sở Du lịch cho biết, TP Hà Nội được Chính phủ tin tưởng giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng 11 tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức SEA Games 31. Thành phố Hà Nội xác định SEA Games 31 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, có tác động lớn đến ngành du lịch Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cơ hội rất thuận lợi để ngành Du lịch Thủ đô làm nóng và đẩy nhanh quá trình phục hồi, đặc biệt đối với thị trường khách du lịch quốc tế. 
 
Để có thể khai thác tối đa cơ hội thu hút khách từ các hoạt động của SEA Games 31, Thành phố Hà Nội sẽ  tổ chức chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc, hấp dẫn trong thời gian diễn ra SEA Game như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội (Tổ chức từ 29/4-1/5/2022), Lễ hội Du lịch Hà Nội (13/5-15/5/2022), Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (Tổ chức 18/5-22/5/2022)… Đây sẽ là chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá đến các Đoàn vận động viên, các cổ động viên và đặc biệt là các phóng viên quốc tế về văn hóa, tiềm năng kinh tế, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực và thế giới.
 
Lãnh đạo Sở KH&ĐT trả lời tại buổi họp báo
 
Thành phố cũng sẽ ưu tiên tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Thủ đô thông qua các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Trong dịp tổ chức SEA Games 31, Thành phố Hà Nội xây dựng các tour du lịch đặc sắc quảng bá điểm đến đối với các đoàn vận động viên, phóng viên báo chí và du khách quốc tế để quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch....
 
Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng trao đổi với báo chí
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lộ trình mở lại các loại hình kinh doanh có điều kiện... Chánh văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Thành phố thường xuyên theo dõi các thông tin từ thực tế, trong đó, có các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện. 
 
Trong sáng 6/4, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo liên Sở: Y tế, Văn hóa và Thể thao nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất tờ trình về việc mở lại các loại hình kinh doanh có điều kiện. Đến 17h50 cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã ký văn bản về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND TP yêu cầu rõ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới; yêu cầu các Sở, ngành, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (trong đó thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và khử khuẩn) và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
 
Lãnh đạo quận Đống Đa trả lời câu hỏi của phóng viên
 
Đáng chú ý, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin nội dung quan trọng trong công văn này, đó là: Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ như: karaoke, mát xa, quán bar, trò chơi điện tử, Internet được hoạt động trở lại từ 0h00, ngày 8/4/2022, nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan; khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn.
 
UBND TP cũng giao các Sở, ngành: Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an Thành phố... căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nội dung chuyên ngành hướng dẫn, tổ chức các hoạt động trên đảm bảo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm phòng, chống dịch Covid-19. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phối hợp các ngành có liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trên đủ điều và hướng dẫn, tổ chức các hoạt động đảm bảo đúng các quy định pháp luật và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
 
Lãnh đạo quận Cầu Giấy trả lời câu hỏi của phóng viên
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vi phạm trật tự xây dựng tại công trình nhà 5 tầng không phép ở 84 đường Láng, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn thông tin: Khu đất 90 đường Láng được thành phố cho Công ty TNHH điện tử Ánh Sao được lập dự án, triển khai khu nhà đa năng 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, được Sở Xây dựng cấp giấy phép và đến nay, dự án này đang thi công cọc khoan nhồi. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, theo thông tin báo chí nêu và thực tế, cạnh khu đất này, có căn nhà của hộ dân ở số 84 Đường Láng có 2 mặt tiếp giáp. Cuối năm 2019, dự án 90 Đường Láng bắt đầu tháo dỡ công trình trên khu đất để triển khai dự án. Trong quá trình này, máy móc va đập gây sụt lún 1 góc nhà 84 Đường Láng. Chủ đầu tư dự án 90 Đường Láng đã thỏa thuận với nhà 84 đường Láng về việc gia cố, cải tạo lại nhà. Tuy nhiên, tháng 12/2019, phường Ngã Tư Sở và cơ quan chuyên môn của quận phát hiện ngoài việc gia cố, nhà 84 Đường Láng có xây thêm ốp trần ở phía sau. Quận đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm rõ, xử lý nghiêm. 
 
Cụ thể, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị mời chủ đầu tư dự án số 90 và chủ nhà 84 đường Láng lên làm việc. Tuy nhiên, sau 5 lần mời từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, 2 chủ thể nói trên không hợp tác, đóng cửa; thậm chí thuê người ngăn cản sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Các biên bản của chính quyền địa phương đều không có 2 chủ thể liên quan. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng việc chậm trễ trong xử lý vi phạm bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì có sự không hợp tác của 2 chủ thể nói trên. Quận đã họp tham vấn của các Sở TN&MT, Xây dựng, Tư pháp để thiết lập hồ sơ vi phạm. Trong tháng 5, quận sẽ xử lý dứt điểm vi phạm ở số nhà 84 đường Láng. 
 
Liên quan đến việc này, Chánh văn Phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, ngay sau khi đồng chí Bí thư Thành ủy có chỉ đạo về việc khẩn trương kiểm tra, báo cáo kết quả việc chấp hành pháp luật về đầu tư - xây dựng, đất đai và quản lý trật tự xây dựng tại công trình xây dựng nhà 5 tầng số 84 đường Láng (trên phần đất lấn chiếm của dự án số 90 đường Láng), phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa như thông tin báo nêu…Chiều 6/4, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Đống Đa, yêu cầu khẩn trương thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy làm rõ thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm công trình vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân liên quan (nếu có), báo cáo UBND TP…
 
Đại diện Sở Y tế phát biểu tại cuộc họp báo
 
Liên quan đến công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin, UBND TP đã nhận được văn bản số 354-CV/TU ngày 6/4/2022 của Thành ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình.
 
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại Văn bản số 354-CV/TU ngày 6/4/2022, giao Sở KH&ĐT: Chủ trì cùng Sở QHKT, các sở, ngành TP có liên quan và UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF tại khu đất số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có); Báo cáo, đề xuất, và dự thảo văn bản của Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo Bí thư Thành ủy về tình hình triển khai, kết quả thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy đảm bảo thời hạn trước 8/4/2022.
 
Trong thời gian các sở, ngành TP kiểm tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư (Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện) tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình; đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực Dự án. Giao UBND quận Ba Đình thông báo cho chủ đầu tư biết, thực hiện; tổ chức theo dõi, giám sát việc chấp hành cho đến khi có chỉ đạo mới.
 
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng công trình số 9 nhà B Khu biệt thự 5,2ha phường Yên Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết quận đã tổ chức kiểm điểm, khiển trách đối với tổ trưởng tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị tại phường Yên Hòa và có hình thức kỷ luật các cá nhân có liên quan. Quận cũng đang xin ý kiến chỉ đạo của Sở Xây dựng thiết lập hồ sơ cưỡng chế đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng này. Hiện, công trình có diện tích 300m2, chủ đầu tư xây dựng 150m2, mật độ xây dựng là 50%. So với quy hoạch được phê duyệt năm 2002 của khu vực này có mật độ xây dựng là 33%, công trình này là thực hiện miễn giấy phép xây dựng nhưng gia đình vẫn xin giấy phép xây dựng, với trường hợp này chính quyền có trách nhiệm cấp giấy phép cho gia đình. Khu này quận đang thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.
 
Trải qua gần 20 năm, khu vực này đã có 5 lần điều chỉnh cục bộ một số gia đình. Trước năm 2002 là có 96 lô biệt thự, hiện nay lên thành 112, mật độ xây dựng nhiều đất được điều chỉnh hơn 6%. Chủ đầu tư trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã kiến nghị với quận điều chỉnh giấy phép xây dựng. Trên cơ sở đó, quận đã xin ý kiến chỉ đạo, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc trả lời khu vực này chưa đủ điều kiện điều chỉnh giấy phép xây dựng. Quận đã trở lời chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư đang có vấn đề khiếu nại UBND quận về việc cấp giấy phép xây dựng là chưa đúng. Quận đang thực hiện giải quyết khiếu nại theo quy định và thời hạn chậm nhất ngày 15/5 sẽ giải quyết xong. 
 
UBND quận cũng đã đề nghị phường Yên Hòa có nghị quyết xử lý vi phạm riêng với công trình này. Việc điều chỉnh quy hoạch và xử lý vi phạm là 2 việc tách biệt, không gắn liền với nhau.
 
Kết luận buổi họp báo, Phó Giám đốc Phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí và các nhà báo trong thời gian qua đã luôn đồng hành cùng Thành phố Hà Nội trong công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đối với những vấn đề nhà báo còn quan tâm và chưa trao đổi được tại họp báo, đồng chí Nguyễn Việt Hùng đề nghị các nhà báo, phóng viên có thể gửi bằng văn bản đến Văn phòng UBND TP và Sở TT&TT để tổng hợp, phối hợp với các đơn vị liên quan để thông tin, trả lời với báo chí.

Huy Kiên - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t