Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được triển khai (20:09 11/03/2022)


HNP - Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2022 UBND thành phố, do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì, chiều 11/3, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành đã báo cáo một số nhiệm vụ trọng tâm.

Quang cảnh hội nghị


10 cuộc kiểm tra công vụ trong 2 tháng
 
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, ngay trong tháng 1/2022, 100% sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công vụ của cơ quan, đơn vị mình. Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, đồng loạt nhiều cơ quan, đơn vị báo cáo việc thực hiện kiểm tra công vụ nội bộ.
 
Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố thực hiện kiểm tra xác suất 2 đơn vị (các sở Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường). Các đơn vị đều có kế hoạch kiểm tra, quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra công vụ nội bộ ngay từ những ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tính riêng Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra công vụ (9 cuộc kiểm tra đột xuất, 1 cuộc kiểm tra xác minh vụ việc).
 
Năm 2022, để tiếp tục cải thiện các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của UBND thành phố; theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, công bố, công khai các quy chế/quy trình liên thông thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng - Đô thị, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư. Thực hiện nghiêm quy định về định kỳ tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính; theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính. 
 
Chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư.
 
Thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được các cơ quan, đơn vị quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy theo quy định; quy trình số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; rà soát, lập danh mục và xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) tại các cơ quan, đơn vị.
 
Thành phố cũng tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp của thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
 
Bổ sung danh mục nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2022-2025
 
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, thành phố đã lập đoàn công tác liên ngành với các quận, huyện, thị xã để xác định nhu cầu, đề xuất danh mục đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp để báo cáo UBND thành phố.
 
Cụ thể, về thực trạng, đối với lĩnh vực giáo dục, số trường công lập tại Hà Nội hiện nay là 2.243 trường, trong đó, số trường chuẩn quốc gia là 1.767 trường (79%). Dự kiến năm 2025, Hà Nội có 2.400 trường công lập. Như vậy, để đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 thì cần công nhận mới tăng thêm 537 trường, nhu cầu đầu tư thêm 1.134 trường, tổng kinh phí hơn 59 nghìn tỷ đồng. Về y tế, đến nay, 100% trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, tuy nhiên, nhiều trạm y tế đã đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp cần nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa. Nhu cầu của giai đoạn 2022-2025 là hơn 20 nghìn tỷ đồng. 
 
Về di tích, thành phố hiện có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.152 di tích cấp thành phố và trên 3.321 di tích chưa được xếp hạng, nhiều di tích đã xuống cấp nặng cần đầu tư tôn tạo, tu bổ. Nhu cầu đầu tư của giai đoạn 2022-2025 là hơn 30 nghìn tỷ đồng.
 
"Như vậy, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã, Sở đã tổng hợp, bổ sung danh mục, số liệu nhu cầu đầu tư của 3 lĩnh vực trên của giai đoạn 2022-2025 là 3.303 dự án hơn hơn 109 nghìn tỷ đồng", Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn nói.
 
Hà Nội là địa phương "điểm" trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ
 
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND để triển khai đề án. Nội dung kế hoạch đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo lộ trình trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030. Cùng với đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu, ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022.
 
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, thành phố Hà Nội được chọn là địa phương triển khai điểm với tất cả các nội dung của đề án, trên cơ sở đó để nhân rộng ra toàn quốc. Do vậy, tiến độ và khối lượng các đầu việc sẽ phải thực hiện sớm hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của đề án. Thành phố cũng đã có văn bản gửi các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương tập trung vào các nhóm công việc cụ thể. Trong đó, tuyên truyền cho người dân tham gia đăng ký, hiểu lợi ích của việc định danh điện tử, phổ cập định danh điện tử, tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, khai thác hiệu quả ứng dụng VNEID … từng bước thay thế thủ tục giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.
 
Nhiệm vụ trọng tâm trong đề án của Chính phủ là đẩy mạnh dịch vụ công và xây dựng công dân số trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó mỗi công dân đã được cấp Căn cước công dân gắn chíp. Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, để hoạt động được giao dịch và xác thực trên môi trường số hóa, mỗi công dân phải có thêm xác thực định danh điện tử cá nhân, gồm có: thông tin trong căn cước công dân, nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt). Sau khi căn cước công dân và xác thực định danh điện tử được tích hợp, công dân sẽ thực hiện giao dịch thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ. Theo tiến độ, từ ngày 1/4, Công an địa phương sẽ triển khai cấp định danh điện tử cho công dân, đồng thời, tích hợp định danh điện tử với Căn cước công dân.
 
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố, Phó Giám đốc Công an thành phố cũng đề nghị các Sở, ban, ngành, các địa phương cùng phối hợp nhằm triển khai thực hiện Đề án.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t