Huyện Gia Lâm từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (11:10 22/01/2020)


HNP - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả trong nhiều lĩnh vực: Công tác CCHC được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ với công tác cải cách tư pháp; quy chế dân chủ tại cơ sở được thực hiện tốt, qua đó, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Công tác thực thi pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.       

Trong 15 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được huyện quan tâm, được đổi mới cả về hình thức và nội dung tuyên truyền. Đội ngũ báo cáo viên tại cơ sở được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2005 đến nay, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với tổng số 5.890 cuộc cho 848.500 lượt người dự; các xã, thị trấn đã tổ chức 3.310 cuộc cho 512.800 lượt người dự. Việc tuyên truyền đa dạng, được tổ chức qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp và lồng ghép tại các hội nghị của huyện, xã, thị trấn và các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh huyện, đài truyền thanh xã, thị trấn; thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, thị trấn...

Xác định công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ ngày 01/7/2005 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn huyện đã ban hành 551 VBQPPL, trong đó: HĐND huyện đã ban hành 42 văn bản QPPL; UBND huyện đã ban hành 112 văn bản QPPL; HĐND các xã, thị trấn đã ban hành 280 văn bản QPPL; UBND các xã, thị trấn đã ban hành 117 văn bản QPPL.
 

Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý văn bản QPPL đã được HĐND, UBND huyện, xã, thị trấn quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát văn bản QPPL để tự rà soát, kiểm tra. Từ ngày 01/7/2005 đến ngày 30/6/2019, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã tự kiểm tra được 551 VBQPPL. Qua kiểm tra, đã phát hiện phát hiện 04 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, 01 văn bản không phù hợp về thẩm quyền và nội dung không đúng với quy định của pháp luật, đã được đình chỉ thi hành và hủy bỏ theo quy định.
 

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, triển khai kịp thời. Ngay từ năm 2008, tại các phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào quản lý, trong đó, có mô hình khung về thực hiện danh mục bên ngoài, do vậy, tất cả các văn bản QPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực đang có hiệu lực được hệ thống hóa, tạo thành danh mục do vậy công tác áp dụng pháp luật trong công tác chỉ đạo, điều hành và trong quá trình thực thi công vụ trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất, kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật

Đáng chú ý, công tác xử lý vi phạm pháp luật hình sự và vi phạm hành chính được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các vụ việc vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cơ bản được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tính răn đe, tính thượng tôn của pháp luật. Từ năm 2005 đến nay, liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân huyện phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án điểm; tổ chức 430 phiên tòa xét xử lưu động, 72 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp đã góp phần trực tiếp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân một cách thiết thực.

Để nâng cao hiệu quả xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng văn bản. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng văn bản QPPL. Thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, công bố văn bản QPPL hết hiệu lực hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương.

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác thẩm định, thẩm tra nhằm kịp thời phát hiện những quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên hoặc tình hình kinh tế xã hội để loại bỏ ngay từ khâu dự thảo; Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, doanh nghiệp tham gia ý kiến góp ý xây dựng văn bản QPPL của địa phương. Tôn trọng, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với dự thảo văn bản QPPL.

Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm cũng sẽ thường xuyên kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ về ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách, trong đó, chú trọng đánh giá tác động của chính sách trên địa bàn để có hướng điều chỉnh kịp thời, đưa các quy định của luật gắn với thực tiễn cuộc sống.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t