Phát triển thương mại điện tử: Thúc đẩy toàn diện hoạt động kinh tế (21:50 29/04/2019)


HNP - Hơn một nửa chặng đường thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-TTg, ngày 8/8/2016, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Thương mại điện tử đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của toàn thành phố.

Tiềm năng lớn

Với gần 85% dân số sử dụng Internet và đặc biệt trong đó có tới 65% người dùng Internet tiến hành mua sắm trực tuyến, Hà Nội trở thành địa chỉ có tiềm năng lớn về thương mại điện tử, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và đầu tư. Hà Nội hiện là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam trong 5 năm gần đây. Doanh thu bán lẻ trực tuyến giai đoạn năm 2016 - 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính: Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến năm 2016 đạt 30.106 tỷ đồng, chiếm 6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; con số này năm 2017 đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và năm 2018 đạt 38.507 tỷ đồng, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Đáng chú ý, Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát hoạt động thương mại điện tử của gần 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ thiết thực công tác quản lý điều hành và xây dựng chính sách về thương mại điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy sự phát triển của thương mại điện tử gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và công nghệ thông tin và truyền thông. Thương mại điện tử trên địa bàn thành phố ngày càng được doanh nghiệp quan tâm ứng dụng nhằm phục vụ tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đã có 90% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp. 63% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thực hiện đặt hàng, nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. 80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trên địa bàn Hà Nội có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. 74% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông trên địa bàn Hà Nội chấp nhận thanh toán hóa đon của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 40% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cơ quan nhà nước, các sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện, thị xã cũng đã tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của thành phố, song song với triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các tổ chức, công dân. Đến nay, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của thành phố. Đến 31/12/2018, trên địa bàn thành phố có 1058 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó: 919 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Nâng cao năng lực

Trên cơ sở tiền năng, thời gian qua, triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử, như: Phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử vào cuộc sống. Tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu, phổ biến những mô hình thương mại điện tử mới, tiên tiến; hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com, Amazon.com; khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ nghiên cứu đầu tư vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” (không người bán, sử dụng mô hình 020 (Online 2 Online); sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến; sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa. Thành phố đang tổ chức triển khai lắp đặt mạng lưới “Máy bán hàng tự động” đặt tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố, dự kiến năm 2020 sẽ có 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các điểm công cộng để phục vụ nhân dân.

Hằng năm, thành phố giao sở, ngành liên quan tổ chức Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday” cũng góp phần đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khởi nghiệp kinh doanh từ thương mại điện tử.

Ngoài việc phát triển các cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, thành phố chú trọng phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử. Đơn cử, ngành Ngân hàng Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ các ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành và các nghiệp vụ của ngân hàng, hướng tới phương thức làm việc hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng CNTT theo mô hình văn phòng điện tử thông minh. Các ngân hàng đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ tin học rộng rãi trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ, ví điện tử, QRpay... Các tiện ích đi cùng với dịch vụ thẻ ngân hàng đang được các ngân hàng áp dụng mở rộng, tập trung vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích mới và theo chiều sâu tăng cường công tác an ninh, bảo mật.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử, coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tham gia hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội của đại bộ phận doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng cùng với việc ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ di động cho thấy doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về thương mại điện tử của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Lê Hồng Thăng cho biết thêm, trên cơ sở kết quả đạt được, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển thương mại điện tử, thành phố đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, như: Kiện toàn cơ chế và bộ máy quản lý nhà nước về thương mại điện tử, phân công đơn vị chuyên trách, bố trí cán bộ để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Đào tạo lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử có chuyên môn sâu đáp ứng công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến. Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên toàn bộ các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t