Hà Nội triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó khả năng xảy ra bệnh dịch Tả lợn châu Phi (10:07 22/02/2019)


HNP - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch Tả lợn châu Phi, thành phố Hà Nội đã chủ động và quyết liệt phòng chống, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn. Tăng cường công tác kiểm dịch, đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra nhanh dịch tả lợn Châu Phi tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Cán bộ chăn nuôi thú y Hà Nội lấy mẫu Test nhanh dịch tả châu Phi tại lò mổ Vạn Phúc, Thanh Trì


Trong thời gian qua, để chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của trung ương, thành phố.
 
Ngành nông nghiệp cũng duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và chốt kiểm dịch liên ngành nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào thành phố và thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật trước và sau khi giết mổ. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài công tác tuyên truyền, ngành nông nghiệp cũng tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát vi rút Dịch tả lợn Châu Phi tại các cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi.
 
Điển hình như tại cơ sở giết mổ tập trung tại Vạn Phúc, huyện Thanh Trì hiện có trên 25 cơ sở giết mổ hàng ngày giết mổ từ 1800-2000 con, 60% nhập từ các tỉnh thành phố khác về, trong đó, có cả của tỉnh Hưng Yên và Thái Bình (những nơi đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi). Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao trong thời điểm này, chốt kiểm dịch liên ngành, gồm: Công an, quản lý thị trường và thú y tại cơ sở Vạn Phúc đã kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển lợn, nhất là từ các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình về tiêu thụ tại Hà Nội.
 
Ông Nguyễn Quang Cừ, Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì cho biết: từ đầu năm 2019 đến nay, Trạm đã tổ chức lực lượng tiến hành vệ sinh, phun thuốc sát trùng quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Tổ chức rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn. Khuyến cáo hộ chăn nuôi, giết mổ khi phát hiện lợn ốm chết nghi mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Tại huyện Chương Mỹ, đây là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trong đó, đàn lợn có 165.000 con. Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Công văn số 2367/UBND-KT, ngày 28/9/2018 chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tập trung đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Công tác tiêm phòng cho đàn lợn đều hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Huyện Chương Mỹ đã tổ chức được 5 đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y được quan tâm triển khai...
 
Được biết, vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh dịch tả lợn Châu Phi đối với các cơ sở giết mổ. Qua kiểm tra các mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn Châu Phi.
 
Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, hiện nay, ngành thú y đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhiều chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán lợn trên địa bàn thành phố.
 
Mặt khác, ngành chăn nuôi thú y cũng phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện chặt chẽ việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.
 
Có thể nói nguy cơ lây lan dịch bệnh qua việc vận chuyển giết mổ từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội tiêu thụ là rất cao. Chính vì vậy, Hà Nội đã thành lập 6 chốt kiểm dịch liên ngành tại các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi tại thành phố chúng ta.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi không lây sang động vật khác, không lây sang người, người chăn nuôi không quá lo lắng mà thực hiện cùng lúc nhiều phương pháp phòng dịch, người tiêu dùng không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt lợn...
 
Tính đến nay, tại Hà Nội không xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của thành phố đang siết chặt các biện pháp phòng dịch. Người chăn nuôi cũng tuân thủ quy trình phòng bệnh, đây chính là cơ sở quan trọng để chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t