Quý I, Hà Nội xảy ra trên 200 vụ cháy (13:53 03/04/2018)


HNP - Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng sáng 3/4, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, trong quý I/2018, Hà Nội xảy ra trên 200 vụ cháy làm 2 người chết, bị thương 18 người, thiệt hại tài sản trên 65 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC phát biểu tại hội nghị


Lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC nhận định, 3 tháng đầu năm nay, tình hình cháy nổ trên địa bàn được kiềm chế, diễn biến ít phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 83 vụ cháy, bằng số người chết, giảm 2 người bị thương). Về địa bàn, tỷ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%. Tình hình cháy tại các cơ sở trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của Sở PCCC như kho xưởng, chung cư, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị có giảm, song cháy ở các khu dân cư, nhất là các hộ dân kết hợp ở và kinh doanh thì có phức tạp hơn.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở PCCC tiếp tục tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế của công tác PCCC những năm trước. Tập trung tuyên truyền, khuyến cáo cho các cơ quan tổ chức, người dân trên địa bàn về các biện pháp, giải pháp PCCC. Đặc biệt là tuyên truyền đến tận các tổ dân phố, người dân về giải pháp phòng  ngừa, cách thoát nạn, xử lý khi có cháy xảy ra.
 
Đặc biệt, Sở Cảnh sát PCCC Thành phố đang tập trung vào tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của 79 điểm nhà cao tầng đã được công khai trước cơ quan báo chí. Qua quá trình kiểm tra, giải quyết 79 điểm nhà cao tầng này, đến nay, tình hình có những chuyển biến. Cụ thể, có 48/79 công trình tồn tại trước đây đã khắc phục xong và được tổ chức nghiệm thu về PCCC. Còn 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định. Trong số 31 công trình này, có 16 công trình có khả năng khắc phục sai phạm. Hiện, Cảnh sát PCCC thành phố đã hướng dẫn các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm.
 
Tuy nhiên 3/16 công trình còn lại đang chây ỳ, không thực hiện khắc phục gồm: chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê của Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư). Với 3 công trình này, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý.
 
Còn lại 15/31 công trình khó có khả năng khắc phục vì các công trình này là những công trình đã xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC). Sự phối hợp giữa cơ quan quy hoạch, cấp phép xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ, nhiều công trình tổ chức xây dựng trước sau đó mới xin cấp phép PCCC nên có một số bộ phận yêu cầu về PCCC không đáp ứng. Với các công trình này, Sở PCCC Thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.
 
Về tình hình cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Nguyễn Văn Sơn cho biết: trung bình, mỗi năm có khoảng 30 sự cố cháy nổ xảy ra. Có những vụ cháy tuy không gây ra hậu quả về người nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. “Đặc biệt sau khi xảy ra vụ cháy chung cư ở TP HCM, tâm lý của người dân sống ở các nhà chung cư cũng có những bất an”, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nói.
 
Trước thực trạng đó, ngoài việc tiếp tục đôn đốc thực hiện khắc phục sai phạm tại các công trình nói trên, trong đợt này, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ rà soát kiểm tra 100% công trình nhà cao tầng. Hiện tại, Hà Nội có trên 1.100 công trình tòa nhà nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư.
 
Qua kiểm tra, đối với các công trình mới, đang thi công hiện nay thì kiên quyết kiểm tra, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ đề xuất, không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC thì Sở sẽ phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công. Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu nhà đầu tư phải tăng cường hơn nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC theo quy định.
 
Thời gian tới, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn. Lý do bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 thì hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
 
“Tòa nhà tồn tại khoảng 50 năm, nếu hệ thống PCCC được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì theo đúng quy định thì tốt nhưng chỉ cần một ngày có sự cố, mà đúng thời điểm đó lại xảy ra cháy thì chúng ta không thể lường trước được hậu quả. Cho nên, chúng tôi vẫn đánh giá đối với nhà chung cư và công trình cao tầng thì đây là đối tượng nguy cơ lớn đối với thành phố trong công tác đảm bảo PCCC”, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nói.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t