Tháo gỡ khó khăn trong phân cấp quản lý rừng (08:37 27/02/2018)


HNP - Sau hơn 1 năm thực hiện về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ rừng.

Chuyển biến rõ nét

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 8,34% diện tích đất tư nhiên. Rừng Hà Nội được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Sơn Tây). Diện tích đất có rừng trên địa bàn thành phố hơn 20.047ha, chiếm 72,31% tổng diện tích đất lâm nghiệp với tỷ lệ che phủ 5,59%. Diện tích đất rừng tự nhiên hơn 7.582ha, chiếm 37,82% diện tích đất có rừng. Diện tích rừng trồng hơn 12.465ha, chiếm 62,18% diện tích đất có rừng và được phân bố ở hầu hết 7 huyện, thị xã có rừng của thành phố. Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp hơn 7.678ha.

Sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp tốt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, các địa phương có rừng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo theo thẩm quyền, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp chống chặt phá, lấn chiếm rừng, bẫy bắt động vật rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng phát triển kinh tế địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thực hiện phân cấp, công tác quản lý bảo vệ rừng đã đạt được hiệu quả tích cực so với các giai đoạn về trước, không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra, trữ lượng, chất lượng rừng ngày càng tăng, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã có rừng khảo sát và đánh giá toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp, xác định rõ diện tích, phân bố 3 loại rừng (phòng bộ, đặc dụng và sản xuất).

Từ thực tế cho thấy, thông qua việc phân cấp đã xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý đầu tư đối với 3 loại rừng trên địa bàn thành phố. Việc phân cấp quản lý nhà nước về rừng hiện nay là phù hợp. Đáng nói, là sự vào cuộc với thái độ quyết liệt, trách nhiệm cao của chính quyền cấp xã, cấp huyện nơi có rừng trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo phân công, phân cấp của UBND thành phố. Các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự địa phương cũng đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tài nguyên rừng...

Khắc phục khó khăn

Tuy nhiên, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về lâm nghiệp đã nổi lên khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 đã được UBND thành phố phê duyệt, nhưng hiện nay rừng và đất lâm nghiệp chưa được đo đạc bản đồ địa chính, chưa cắm mốc danh giới rừng. Chưa thực hiện giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Một số diện tích đất rừng tự nhiên núi đá là rừng sản xuất không phù hợp với phát triển rừng sản xuất. Diện tích rừng trồng cây ăn quả lâu năm (vườn quả) không có chính sách riêng và đang thực hiện chung chính sách của rừng phòng hộ nên khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là khó phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc chuyển nhượng, mua bán rừng và đất lâm nghiệp bất hợp pháp. Một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao khoán cho cá nhân, hộ gia đình nằm xen kẹt hoặc gần với khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý và chồng chéo với quy hoạch sử dụng đất phát triển nông thôn mới...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về phân cấp quản lý, cần phải xác định, cắm mốc giới cho 3 loại rừng của thành phố ngoài thực địa, làm căn cứ giao đất, giao rừng cho các chủ rừng. Đồng thời bố trí, tăng cường cán bộ chuyên trách làm lâm nghiệp cho cấp xã. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý doanh nghiệp, hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích. Thu hồi rừng và đất lâm nghiệp hiện nay thành phố đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng nhận khoán kém hiệu quả để giao cho doanh nghiệp khác quản lý bảo vệ, sử dụng tốt hơn. Sau khi thực hiện cắm mốc, xác định ranh giới ngoài thực địa, cần lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2030...

Ngoài ra, các huyện, thị xã có rừng cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của xã hoạt động ổn định, hiệu quả và chuyên nghiệp. Đối với các chủ rừng cần tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng bảo vệ rừng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Từ thực trạng thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố vừa ban hành công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã có rừng thống nhất tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t