Hiệu quả từ đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2016 (21:58 20/12/2016)


HNP - Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, Thành phố đã ban hành “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2016”. Sau 5 năm triển khai, thành phố đã hình thành những vùng chuyên canh rau lớn, cho hiệu quả kinh tế rất cao đặc biệt người nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khách hàng tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn


Quy hoạch phát triển vùng rau an toàn theo hướng hàng hóa
 
Nhận thấy nhu cầu về rau, quả của người dân Thủ đô gia tăng cả về số lượng và chất lượng, trong 5 năm qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã đẩy mạnh sản xuất rau an toàn tại nhiều xã, huyện trên địa bàn. Để thực hiện hiệu quả Đề án được thành phố phê duyệt, Sở đã có những giải pháp và cơ chế hỗ trợ hạ tầng.
 
Theo đó các quận, huyện đã lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các vùng sản xuất RAT tập trung phù hợp quy hoạch. Các hạng mục đầu tư chính bao gồm: đường bê tông nội đồng trục chính, hệ thống tưới – tiêu, điện hạ thế, nhà lưới cho một phần diện tích, nhà sơ chế,...Kết quả, các địa phương đã lập 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT tập trung với diện tích 2.080,9ha; có 16 dự án được đầu tư và đưa vào sử dụng (trong đó: 10 dự án nguồn vốn của Thành phố, 6 dự án QSEAP nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á).
 
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng được một quy trình chuẩn với những tiêu chí cụ thể để hướng dẫn nông dân trồng RAT cũng như căn cứ vào đó để xét, cấp chứng nhận RAT. Trong đó đã ban hành 30 quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, 10 quy trình rau hữu cơ. Để quy định này đi vào thực tiễn, trong giai đoạn 2009 - 2016, đã tổ chức 889 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 26.670 nông dân, có 100% nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền được 40.000 nông dân khác.
 
Ngoài ra, còn có 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT cho 49.500 người. Triển khai, thực hiện 410 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như: che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã, nhân rộng với diện tích 1.150,2ha. Xây dựng các mô hình tập trung, khép kín sản xuất và tiêu thụ.
 
Từng bước mở rộng sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm
 
Để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm RAT. Riêng năm 2016, Chi cục BVTV xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi RAT áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
 
Cán bộ kỹ thuật BVTV ngoài việc hướng dẫn, kiểm tra sản xuất RAT còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV từ cơ sở. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất 4.419 lượt cửa hàng, công ty, chi nhánh công ty trên địa bàn; phát hiện 632 trường hợp vi phạm; phạt tiền 514 triệu đồng, thu giữ 1.142,97 kg (lít) thuốc. Tổ chức kiểm tra 857 lượt về công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sơ chế, kinh doanh rau, quả, chè trên địa bàn.
 
Ngoài ra, Chi cục BVTV đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 8 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày. Xây dựng 64 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp công suất 200 - 1.000kg/ngày. Để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, năm 2011, Chi cục đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán buôn tại Văn Đức (Gia Lâm); Năm 2012, nhân rộng việc gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán lẻ ra các vùng: Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt, huyện Mê Linh. Đến năm 2014, toàn Thành phố đã có có 40 cơ sở được dán tem nhận diện,…và đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu.
 
Hiện nay, rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm. Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/năm.
 
Có thể thấy, việc triển khai Đề án đã phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên của Thủ đô, tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất đạt 5.044ha, 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ. Đã có trên 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Đề án đã làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch.
 
Trong giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp Thủ đô phấn đấu duy trì 5.100 ha đạt 500 - 1 tỷ đồng/ha/năm; phát triển 3.000 - 4.000ha rau chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích sản xuất rau vụ Đông đạt 120 triệu đồng/ha/vụ; diện tích nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn. Phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp rau an toàn, đảm bảo 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t