Huyện Thạch Thất: Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm đạt từ 80% tổng đàn (11:23 10/02/2020)


HNP - UBND huyện Thạch Thất vừa ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020.

Theo kế hoạch, đối tượng tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2020 của huyện gồm: Bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò; bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh ở lợn; bệnh dại chó, mèo; cúm, Newcastle, dịch tả vịt và gia cầm. Để đảm bảo phòng ngừa có hiệu quả đối với các loại dịch bệnh, huyện Thạch Thất chỉ đạo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phải đảm bảo từ 80% tổng đàn trong 2 lượt/năm trở lên. Riêng vắc xin dại phải đạt 100% diện tiêm/lượt/năm.

UBND huyện Thạch Thất cũng sẽ hỗ trợ kinh phí mua thêm một số loại vắc xin để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt chỉ tiêu thành phố giao (ngoài lượng vắc xin thành phố hỗ trợ). Cụ thể: Vắc xin phòng bệnh THT trâu, bò đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; vắc xin phòng bệnh dại chó, mèo hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm 7% tổng đàn chó, mèo; vắc xin dịch tả hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm 70% tổng đàn lợn thương phẩm. Ngoài các loại vắc xin thành phố, huyện hỗ trợ, các xã, thị trấn của huyện cũng sẽ tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự mua các loại vắc xin để tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Huyện Thạch Thất tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà. Trong đó, đợt I, triển khai từ ngày 01/3 đến 01/4/2020; đợt II, triển khai từ ngày 01/9 đến 01/10/2020.

UBND huyện Thạch Thất yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải thực hiện đúng kỹ thuật, đúng tiến độ, thời gian nhanh gọn, đảm bảo an toàn và đạt kết quả cao. Tỷ lệ tiêm phòng phấn đấu đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm, đặc biệt chú ý đến các ổ dịch cũ, tỷ lệ bảo hộ đạt từ 70% trở lên. Quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin đúng quy định, không để lãng phí, đặc biệt các loại vắc xin do ngân sách thành phố cấp. Ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn huyện có trách nhiệm chỉ đạo việc thu hồi vỏ lọ vắc xin và tổ chức tiêu hủy theo quy định đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường sau tiêm phòng.

UBND các xã, thị trấn của huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và các giải pháp tổ chức thực hiện. Tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức và cá nhân có liên quan đến chăn nuôi biết để nghiêm túc thực hiện. Tổ chức tiêm phòng khi đã chuẩn bị đầy đủ về công tác tuyên truyền, tập huấn, vật tư, vắc xin, con người và xây dựng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Thực hiện tốt công tác giám sát đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau khi tiêm phòng. Theo dõi và xử lý kịp thời các trường hợp phát dịch sau khi tiêm, lập danh sách ghi chép đầy đủ, chính xác số được tiêm phòng, số không được tiêm phòng ở các hộ chăn nuôi.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t