Quận Đống Đa: Gắn trách nhiệm chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (16:14 28/02/2018)


HNP - Đây là một trong những yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch số 37/KH-UBND của UBND quận Đống Đa vừa ban hành, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, quận Đống Đa triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, giám sát dịch bệnh, quận triển khai tích cực phòng bệnh bằng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Theo đó, quận đặt mục tiêu, tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn và đối với bệnh dại chó mèo phải tiêm phòng đạt 100% diện tiêm; tỉ lệ sau tiêm phòng phải đạt trên 70%. Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo qui định, tuyên truyền hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của thành phố. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định.

Cùng với đó, quận Đống Đa yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền các phường trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND Thành phố Hà Nội; phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ theo quy hoạch. Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt luật Thú y và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản của thành phố trong công tác phòng, chống dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân biết và tự giác thực hiện.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền từ quận đến phường và sự phối kết hợp đồng bộ với các sở, ngành thành phố về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của trung ương và thành phố. Sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; ứng phó kịp thời, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện có khả năng truyền lây từ động vật sang người, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người và động vật nuôi.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng khống chế không để lây lan ra diện rộng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thú y, ý thức chấp hành của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t