Tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội (16:59 18/08/2024)


HNP - Trong những năm qua, việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội…

Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 47 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo


Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo thực hiện đồng thời mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế Thủ đô gắn với nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó, tín dụng chính sách được coi là một trong những giải pháp sáng tạo, căn cơ, hiệu quả, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với tình hình thực tiễn. 
 
Thủ đô Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 17 huyện, 1 thị xã và 12 quận với 579 xã, phường, thị trấn, dân số gần 8,5 triệu người. Theo kết quả rà soát thời điểm cuối năm 2023, toàn Thành phố có 690 hộ nghèo, tỷ lệ 0,03% và 15.835 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,7%, trong đó, có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo và 05 quận không còn hộ cận nghèo (đến tháng 4/2024 thị xã Sơn Tây không còn hộ nghèo).
 
Người dân được tư vấn, hướng dẫn tận tình khi đến làm thủ tục tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đan Phượng
 
Trong 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã bám sát quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng” cũng như Chiến lược phát triển NHCSXH theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách gắn với việc thực hiện các Chương trình, mục tiêu, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong từng năm, từng giai đoạn về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH Thành phố và Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cơ chế, đối tượng đặc thù của Thành phố.
 
Bên cạnh đó, Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo đưa giải pháp về bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạn như: Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm; Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội... Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thành phố đã bố trí ngân sách 1.150 tỷ đồng theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND ngày 13/4/2020 và Quyết định số 4029/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập 
 
Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đạt 16.018 tỷ đồng với trên 273 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 11.297 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị; tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 13%; tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thành phố đạt 9.421 tỷ đồng, tăng 8.324 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị và chiếm tỷ trọng 59% trên tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 47 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 607 nghìn lao động, hỗ trợ hơn 3 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua 255 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng gần 548 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 4,6 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 893 căn nhà ở xã hội, 262 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 29 nghìn người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022-2024).
 
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; góp phần cùng Thành phố thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP, đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố trong từng giai đoạn.
 
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
 
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tiếp theo, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với tập trung các nguồn lực từ ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã để tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động của NHCSXH, mở rộng đối tượng thụ hưởng đặc thù của Thành phố để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Lê Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t