Tăng cường hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành 178 trong phòng chống tệ nạn (15:36 23/02/2019)


HNP - Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, lực lượng kiểm tra liên ngành 178 Thành phố trong thời gian qua dù đã hoạt động tích cực nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn khiến công tác phòng chống tệ nạn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Với lực lượng mỏng và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi số lượng cơ sở kinh doanh kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn Thành phố rất lớn (trên 5.000 cơ sở) nên trong thời gian qua, công tác kiểm tra mới chỉ tập trung kiểm tra những địa bàn trọng điểm, những cơ sở lớn sử dụng nhiều lao động và có nghi ngờ hoạt động mại dâm, chưa bao quát được toàn bộ những cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Công tác kiểm tra liên ngành mới tập trung thực hiện ở cấp Thành phố, cấp huyện, còn tại cấp xã hoạt động kiểm tra liên ngành còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số loại hình kinh doanh dịch vụ massage có phương thức hoạt động khép kín bên trong, sử dụng tiếp viên nữ phục vụ khách là người nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... không phục vụ khách trong nước và có nhiều biểu hiện lợi dụng để hoạt động kích dục, mại dâm nhưng đối phó rất tinh vi, gây khó khăn cho địa phương và các ngành chức năng trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cơ sở, nếu chỉ kiểm tra hành chính thông thường thì không thể phát hiện được hành vi này. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm thường hoạt động vào buổi tối hoặc đêm, đối tượng kiểm tra có tính đặc thù nên khi kiểm tra tại các cơ sở chủ cơ sở hoặc người được ủy quyền theo pháp luật thường vắng mặt, không xuất trình bản chính các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh nên khi phát hiện sai phạm việc lập Biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn.

Một khó khăn nữa được chỉ ra, đó là thành viên Đội Kiểm tra liên ngành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, một số thành viên chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác Đội. Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành các cấp không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, khi phát hiện cơ sở vi phạm chỉ lập biên bản và chuyển hồ sơ đến Thanh tra chuyên ngành đề nghị ra quyết định xử phạt, do vậy ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của Đội. Chưa có cơ chế phối hợp giữa Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố với các cơ quan thanh tra chuyên ngành của từng lĩnh vực, nên việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở chưa triệt để. Vẫn xảy ra tình trạng cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính nhiều lần vẫn không bị thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Để khắc phục ngay những hạn chế tồn tại nêu trên, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các sở, ngành là thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố phải tăng cường quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện cho cán bộ, thanh tra viên của ngành tham gia đầy đủ các buổi kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thành phố giao hàng năm. Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành tăng cường phối hợp và thụ lý kịp thời các hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính do các Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố đề xuất.

Đặc biệt, các sở, ngành như Công an, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Công Thương... chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bên cạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định của ngành trong hoạt động kinh doanh, cần tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động và phòng, chống tệ nạn xã hội. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đồng thời, tích cực phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành các cấp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vi phạm và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm bị xử phạt nhiều lần; đóng cửa, ngừng hoạt động đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện kinh doanh.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện rà soát và không giấy phép kinh doanh hoặc tham mưu cho UBND cùng cấp không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại các địa điểm đã bị xử lý về các hành vi có liên quan đến hoạt động mại dâm và bị thu hồi giấy phép nhưng cơ sở thay đổi đại diện theo pháp luật và đề nghị cấp phép mới để tiếp tục kinh doanh địa điểm cũ.

Triển khai những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố trong phòng chống tệ nạn xã hội, trong năm 2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố sẽ bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo 138 Thành phố để xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Thành phố giao năm 2019. Tích cực phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, thống kê, phát hiện kịp thời những cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện phức tạp về tệ nạn xã hội và tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để không để phát sinh thành các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trên địa bàn.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, phổ biến văn bản và các quy định mới của pháp luật; thường xuyên hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao nghiệp vụ kiểm tra cho các thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp; tích cực hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mại dâm nói riêng.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t