Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ xã, phường (14:10 17/05/2019)


HNP - Sáng 17/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, phường, thị trấn 2019.

Các đại biểu tham dự hội nghị


Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bẩy, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã thông báo về diễn biến thời tiết, nhận định tình hình khí tượng thủy văn năm 2019. Theo đó số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông khoảng 10-12 cơn, ở mức thấp hơn so với trung bình hàng năm. Trong đó có khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Dự báo, thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới chủ yếu tập trung vào tháng 7, 8, 9.
 
Mặc dù số lượng các cơn bão năm nay dự báo có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm, nhưng do nên nhiệt độ mặt nước biển Tây Thái Bình Dương bao gồm khu vực Biển Đông cao, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh hoặc siêu bão.
 
Mùa mưa khả năng bắt đầu và kết thúc phù hợp so với trung bình hàng năm, toàn mùa có khoảng 6-8 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2019 vào khoảng 1.250 -1.450mm. Đặc biệt, cuối tháng 5, các sông, suối trong khu vực có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ tiểu mãn thấp hơn trung bình hàng năm. 
 
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã nêu một số nội dung chính trong Chỉ thị số 06/CT-UBND về công tác PCTT&TKCN năm 2019. Theo đó các đơn vị cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT&TKCN năm 2018. Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTT&TKCN trong tình hình mới; phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn. 
 
Các đơn vị xây dựng Kế hoạch, Phương án PCTT&TKCN năm 2019 cụ thể, sát thực tế của địa phương; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm "4 tại chỗ"; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt mưa lớn, lốc xoáy, bão mạnh, siêu bão có thể gây ra ngập úng, đổ cây, nhất là cây to, cây cổ thụ trong khu vực nội thành, kịp thời tổng hợp, thông tin báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo, xử lý, ứng phó kịp thời, đúng quy định.
 
Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai kịp thời, phát hiện các hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình theo phân cấp. Rà soát, tổng hợp những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.
 
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống thiên tai tại gia đình mình và tích cực tham gia công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai của địa phương.
 
Cũng tại hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Sở NN&PTNT truyền đạt thông tin về quản lý đê điều, xử lý vi phạm đê điều, một số kinh nghiệm xử lý vi phạm đê điều ở một số quận huyện. Tham luận về công tác cứu trợ nhân đạo của một số xã ở huyện Chương Mỹ; Công tác triển khai huy động lực lượng vào phòng chống thiên tai tại xã Đông Yên, Quốc Oai và xã Cần Kiệm, Thạch Thất.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t