Học trực tuyến và học qua truyền hình nhằm phòng chống dịch Covid-19 (20:12 26/03/2020)


HNP - Chiều 26/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, triển khai công tác chỉ đạo quản lý dạy và học trong thời gian học sinh nghỉ học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị


Dạy và học trực tuyến
 
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến tiếp tục phức tạp, thời gian đón học sinh quay trở lại trường còn chưa xác định, ngành GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu quận, huyện, thị xã và các điểm trường để thảo luận về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như công tác chỉ đạo quản lý dạy và học trong thời gian học sinh nghỉ học. Theo đó, dạy và học trực tuyến, qua mạng Internet và qua truyền hình đã được áp dụng nhằm đảm bảo nhiệm vụ giáo dục của ngành.
 
Theo ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT, hệ thống dạy học trực tuyến (hệ thống quản lý học tập - LMS) hoặc hệ thống quản lý nội dung học tập - LCMS) là phần mềm ứng dụng để tổ chức và quản lý lớp học trên mạng; giúp giáo viên giao tiếp với học sinh và tổ chức cho học sinh giao tiếp với nhau trong quá trình dạy - học. Ông Kiều Văn Minh cho biết, đối với cấp học phổ thông, việc học trên Internet phải đảm bảo các yêu cầu, cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh. Học liệu phải được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông (bao gồm SGK, bài giảng, tài liệu, bài tập) và được các nhà trường phê duyệt. 
 
Đối với việc học qua truyền hình đã được triển khai từ ngày 09/3 đối với lớp 9 và lớp 12; từ ngày 19/3 đối với khối 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11; Thời gian phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần với 88 chương trình/tuần trên kênh H1 và H2, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ngoài ra, học sinh có thể xem trực tiếp trên website, facebook và tải ứng dụng "HanoiClix" của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và xem lại trên hệ thống Hanoi Study.
 
Theo đó, để việc học qua Intetnet và truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch được hiệu quả, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Bởi việc học trực tuyến hay qua truyền hình cần học sinh phải có những kỹ năng cần thiết. Phụ huynh học sinh cần đồng hành, hướng dẫn và định hướng cho con em mình trong quá trình học tập.
 
Học trực tuyến và học qua truyền hình mang lại hiệu quả cao
 
Tại điểm cầu huyện Thanh Oai, lãnh đạo huyện cho biết đã kịp thời chỉ đạo các nhà trường triển khai đến từng lớp thực hiện học qua Internet và học qua truyền hình. Tập huấn các giáo viên công tác giảng dạy theo hình thức trên. Theo lãnh đạo huyện, việc học qua truyền hình là một hình thức hiệu quả không chỉ mang lại kiến thức cho các học sinh mà còn giúp các giáo viên học hỏi thêm được các phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp.
 
Đại diện Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm cho biết, nhà trường coi học trực tuyến là công cụ hỗ trợ cho học trên truyền hình. Các giáo viên sẽ bổ sung, củng cố thêm kiến thức cho học sinh sau các bài giảng trên truyền hình. Đặc biệt, nhà trường đã tập huấn cho giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm Microsoft Office 365 để thiết kế bài tập cho học sinh. Xây dựng hệ thống giao, nộp bài nhằm lưu trữ bài tập để đánh giá chất lượng của từng học sinh. Hiệu trưởng nhà trường cũng có thể theo dõi quá trình học tập, giảng dạy giữa giáo viên và học sinh trên hệ thống.
 
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, tỷ lệ học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến trên địa bàn là 81%, THCS là 92%. Tỷ lệ học sinh học trên truyền hình cũng đạt gần 100%. Các trường đã chỉ đạo giáo viên cùng theo dõi chương trình để giao bài tập sát, đồng bộ với cả hai hình thức. Quận Cầu Giấy đã chi 200 triệu đồng để cài đặt phần mềm họp trực tuyến cho toàn bộ 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Do đó, các cuộc họp giao ban, trao đổi chuyên môn không bị gián đoạn do dịch bệnh.
 
Ở cấp học Mầm non, mặc dù không phải dạy học trực tuyến, song Trường Mầm non Khương Đình, quận Thanh Xuân vẫn đăng tải giáo án điện tử trong kho dữ liệu, đã chỉnh sửa một cách phù hợp, công khai trên web nhà trường để phụ huynh tham khảo. Hầu hết phụ huynh học sinh bày tỏ đồng tình với hình thức học trực tuyến và học qua truyền hình cũng như phối hợp cùng các nhà trường giúp các em học tập tại nhà một cách hiệu quả nhất. 
 
Vẫn còn nhiều khó khăn trong học trực tuyến và học trên truyền hình
 
Với đặc thù vừa học vừa làm của ngành Giáo dục Thường xuyên-Chuyên nghiệp (GDTX-CN), bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Trưởng phòng GDTX-CN cho rằng, việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn. Điều kiện của các nhà trường cũng như nhiều học sinh chưa thể đáp ứng được việc học qua Internet. Hiện, phòng GDTX-CN đang nghiên cứu, thử chạy phần mềm học trực tuyến ổn định và phù hợp hơn để hỗ trợ cho giáo viên trong việc giảng dạy. Trưởng phòng GDTX-CN cũng đề xuất Giám đốc các Trung tâm dạy nghề rà soát, kiến nghị các địa phương hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng việc dạy học trực tuyến. 
 
Là huyện ngoại thành Hà Nội, huyện Thanh Oai vẫn còn nhiều hộ gia đình khó khăn. Các hộ này chủ yếu thiếu phương tiện cho học sinh theo học trực tuyến hay học trên truyền hình như: không có Internet; các em không được trang bị máy tính hay phải dùng chung điện thoại thông minh với bố mẹ; nhiều gia đình chỉ có 1 ti vi nên học sinh không có không gian riêng để học tập… Trước khó khăn chung, huyện cũng đã đề nghị các nhà trường chủ động trong việc giảng dạy trực tuyến, tạo điều kiện cho mọi học sinh có thể tiếp cận phương pháp học này.
 
Đại diện Trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông cho biết, 95% học sinh lớp 4, 5 tham gia học trên truyền hình. 5% còn lại nhà trường đang tiến hành rà soát và tìm hiểu lý do không tham gia hình thức học này. Tuy nhiên, trường cũng cho rằng môn Tiếng Anh dạy trên truyền hình khá nhanh khiến một số học sinh có học lực trung bình không nắm bắt kịp. 
 
Phòng chống dịch song song với đảm bảo chất lượng giáo dục 
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục và trường học thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc khai báo y tế, nắm bắt tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, học sinh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, nếu có vấn đề đột xuất cần báo cáo ngay.
 
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị toàn ngành tích cực, chủ động ủng hộ bằng tinh thần và vật chất đối với những người đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu. Các trường cần tiếp tục nắm bắt, quán triệt xử lý nghiêm việc tung tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của đất nước, đồng thời, vận động phụ huynh học sinh không đưa những thông tin thất thiệt vào các nhóm mạng xã hội gây hoang mang.
 
Về việc dạy và học trên truyền hình, qua Internet, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của một số trường trên địa bàn thành phố đã triển khai dạy học trực tuyến ngay từ khi học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19. Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị cần thống nhất về mặt nhận thức trong triển khai các giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
 
Giám đốc Chử Xuân Dũng cho biết: Quan điểm của ngành là song hành hai nhiệm vụ, phải khắc phục khó khăn dịch bệnh trước mắt bằng các biện pháp cụ thể, phù hợp để duy trì chất lượng dạy và học. Các trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể về việc dạy học qua Internet và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở. Sở sẽ sớm có văn bản hướng dẫn về cách đánh giá học sinh thường xuyên, định kỳ và cuối kỳ.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t