Huyện Gia Lâm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các lễ hội (11:05 05/11/2020)


HNP - Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có gần 100 lễ hội truyền thống. Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động lễ hội theo đúng quy định, phát huy những giá trị các lễ hội địa phương.

Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm


Trong 5 năm qua, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh công tác quản lý các lễ hội. Quy trình chuẩn bị và tổ chức lễ hội đàm bảo chặt chẽ. Hàng năm, bám sát kế hoạch của UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội ở địa phương. Đối với các lễ hội lớn như: Lễ hội Chùa Nành (xã Ninh Hiệp); Lễ hội Đền - Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá); Lễ hội Sủi (xã Phú Thị); Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng), UBND Huyện yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức riêng; thành lập Ban tổ chức lễ hội của xã.

Trước, trong và sau thời gian tổ chức lễ hội, UBND Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, có phương án, chuẩn bị đủ phương tiện, nhân lực để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cùng với đó, công tác kiểm duyệt chương trình văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động tại các lễ hội được các ngành quan tâm thực hiện tốt; không để xảy ra các hoạt động lợi dụng biểu diễn văn hóa, văn nghệ để thực hiện các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; hoạt động biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật... tạo không khí vui tươi trong hoạt động lễ hội, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đồng thời, cũng là nơi để giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống giữa các địa phương.

Có thể nói, cơ bản các lễ hội trên địa bàn huyện đã tuân thủ đúng quy chế mở hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, nội dung lễ hội diễn ra tại các địa phương phù hợp với truyền thống văn hóa. Phần lễ được tổ chức trang trọng, đúng truyền thống; phần hội tổ chức phong phú, hấp dẫn, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương; nhiều trò chơi văn hóa dân gian trong lễ hội được khôi phục, bảo tồn và phát huy: múa bông sòng, kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người; biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn nghệ quần chúng: hát chèo, quan họ, diễn tuồng, cảì lương, tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế, du lịch, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND - UBND huyện quan tâm chỉ đạo, bố trí ngân sách phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng. Đồng thời, tích cực triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020” với tổng kinh phí dự toán trên 680 tỷ đồng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích ở 101 Tiểu ban quản lý di tích thôn, TDP và 23 Ban quản lý di tích cấp xã với gần 1.700 thành viên; lập bảng tuyên truyền di tích, thần tích các vị thần được thờ tại các di tích và trên phiếu công đức tại 87 di tích; phát hành cuốn sách "Gia Lâm - Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa". Chủ động triển khai các đề án phát triển du lịch tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng theo mô hình du lịch thông minh, từng bước xây dựng Bát Tràng là điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương và Thành phố thực hiện rà soát, kiểm kê hiện trạng, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; đã có 12 di tích được xếp hạng cấp Thành phố, 5 di tích đã lập hồ sơ đề nghị UBND Thành phố xếp hạng; 03 hiện vật được công nhận bảo vật Quốc gia. Đến nay, tổng số di tích của huyện được xếp hạng các cấp 169/318 di tích, đạt 52,2%; 04 bảo vật quốc gia; 02 di sản văn hóa phi vật thể là: Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng và Lễ hội Đình Chử Xá, xã Văn Đức được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Huyện đã thực hiện kiểm kê hiện vật, lập hồ sơ quản lý tại 188 di tích được xếp hạng và đề nghị xếp hạng làm cơ sở số hóa dữ liệu quản lý di tích. Tổ chức tu bổ, tôn tạo đối với 61 di tích xuống cấp với tổng kinh phí gần 1000 tỷ đồng (đã hoàn thành đưa vào sử dụng 13 di tích với kinh phí 255,6 tỉ đồng; đang triển khai thực hiện 48 di tích với kinh phí trên 700 tỷ đồng). Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất 197 di tích tín ngưỡng; lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đối với cơ sở tôn giáo.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định cùa của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của Nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nói chung và trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội nói riêng. Chú trọng phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, hạn chế, yếu kém. Gắn kết chặt chẽ công tác quản lý và tổ chức lễ hội với phát triển du lịch, thu hút các nguồn lực để đầu tư, phát triển, quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương nhằm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển đô thị văn minh, từng bước hiện đại. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các ngành liên quan trong quá trình kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t