Nhiều hoạt động vui Tết Nguyên đán "trực tuyến" năm 2022 (13:33 03/02/2022)


HNP - Là năm thứ 2 liên tiếp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động đón Tết, vui Xuân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị của thành phố vẫn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều không gian với mong muốn đem đến cho nhân dân một cái Tết giàu ý nghĩa, đậm chất truyền thống.

Cây nêu ngày Tết tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long


Trong điều kiện thích ứng và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chưa mở cửa đón khách tham quan, song, các hoạt động, nghi lễ tại Hoàng thành trong dịp Tết vẫn được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống và được ghi hình quảng bá, trưng bày trực tuyến phục vụ đông đảo du khách gần xa. Theo đó, không khí của Hoàng thành Thăng Long trở nên linh thiêng và trang nghiêm hơn, khi  "bách quan" và "thị vệ" từ Đoan Môn tiến vào khu vực điện Kính Thiên mang theo ngự lịch để tiến vua. Khi vào đến thềm rồng, quan Tư Thiên giám dâng ngự lịch lên vua. Tiếp đó, là nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch. Đây chính là hoạt cảnh tái hiện nghi lễ Tiến lịch - ban lịch đầu Xuân mới của triều đình nhà Lê khi xưa. Các quan nhận lệnh, nhất loạt bái tạ và tung hô vạn tuế. Hoạt cảnh do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long thực hiện. 
 
Theo chính sử, hàng năm, triều đình cho biên soạn lịch công của năm mới, vua phê duyệt rồi truyền cho san khắc, in ấn, đóng quyển. Đến ngày 24 tháng Chạp, triều đình tổ chức nghi lễ tiến ngự lịch lên hoàng đế. Tiếp đó, nhà vua ban lịch cho bách quan và dân chúng để khởi đầu cho một năm làm việc, cấy trồng... Tư Thiên Giám là cơ quan chuyên trách về thiên văn, lịch pháp có trách nhiệm biên soạn lịch hàng năm. 
 
Ngoài hoạt động chính là nghi lễ Tiến lịch - ban lịch, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động khác trong trưng bày trực tuyến chủ đề " Tiến lịch đón Xuân sang". Trưng bày đưa mọi người trở về không gian ngày Tết cổ truyền với các phong tục như: Gói bánh chưng, tục cúng gia tiên, tục treo tranh tết, câu đối tết, chúc tết, xin chữ đầu năm… Các thông tin về Lễ tiến lịch và ban lịch khác còn cho biết thêm việc triều đình rất coi trọng đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt. 
 
Tái hiện nghi lễ “Tiến lịch” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long
 
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tái hiện nhiều nghi lễ cung đình khác như: Lễ cúng Táo quân, thả cá chép, lễ phong ấn, lễ dựng cây nêu… Đáng chú ý là lễ dựng cây nêu để tiễn năm cũ qua đón năm mới Nhâm Dần sắp đến. Dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, đây cũng là nghi lễ quan trọng của cung đình. Trong thời kỳ quân chủ, đích thân nhà vua, hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ này, tục thường diễn ra vào 23 tháng Chạp. Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật để khi gió thổi, va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ, mong ước một mùa Xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau các nghi thức tế lễ trời đất, cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của mọi người, báo hiệu một năm mới sắp đến.
 
Với mong muốn cho nhân dân có điều kiện vui Xuân mới, trong dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức chuỗi hoạt động tại các điểm di tích, điểm văn hóa trong phố cổ. Tại đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc), sau lễ cáo yết Thành hoàng, sẽ là nghi thức dựng cây nêu. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50, phố Đào Duy Từ), sẽ là Triển lãm tranh với chủ đề "Hổ Nhâm Dần 2022", với các bức tranh về hổ của Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ Trần Tiến Dũng, họa sĩ Võ Lương Nhi… 
 
Cũng tại đây, Ban Tổ chức giúp người xem tìm hiểu về không khí Tết của một gia đình xưa qua sắp đặt không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc bộ. Tại Ngôi nhà Di sản (số 87, phố Mã Mây), khách tham quan sẽ được tìm hiểu một thú chơi độc đáo của người Hà Nội xưa qua chương trình giao lưu "Hoa Thủy tiên và Những người bạn 2022". Những người có kinh nghiệm về gọt thủy tiên sẽ có buổi nói chuyện, giới thiệu về thú chơi và cách chơi hoa thuỷ tiên. Qua đó, công chúng có điều kiện hiểu thêm về nét tinh tế, lịch lãm của người Hà Nội xưa. Các hoạt động chủ yếu diễn ra trong các ngày 28 và 29/1, tức 26 và 27 tháng Chạp âm lịch. 
 
Để phòng dịch, các hoạt động đều được ghi hình, phát trực tiếp trên fanpage của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. Riêng các triển lãm về tranh, gốm, các không gian sắp đặt tĩnh sẽ được thực hiện từ giáp Tết đến hết Rằm tháng Giêng. 
 
Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đậm chất truyền thống của thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Song, nhân dân vẫn ủng hộ, vì một cái Tết đậm truyền thống, nhưng đề cao sự an toàn.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t