Nhiều giải pháp phòng chống tệ nạn mua bán người (10:09 22/10/2019)


HNP - Trong thời gian qua, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, massage, tẩm quất... trên địa bàn thành phố càng gia tăng. Những yếu tố trên khiến các loại tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống tệ nạn mua bán người trên địa bàn thành phố.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống tệ nạn mua bán người, căn cứ vào kế hoạch hàng năm của UBND Thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an Thành phô, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn, triển khai các văn bản mới và các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Từ đầu năm đến nay, hơn 5.000 người là cán bộ và người dân tại các địa phương đã được phổ biến, quán triệt, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng, góp phần củng cố, xây dựng toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, giữ gìn an ninh trật tự vững chắc ngay từ cơ sở đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc giảm tình hình tội phạm mua bán người và tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn Thành phố.

Cùng với tuyên truyền, Sở cũng chú trọng công tác tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống. Với công tác này, Hà Nội luôn huy động được sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội, nhất là việc thành lập Trung tâm công tác xã hội thuộc Sở LĐ,TB&XH nên công tác tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật phòng, chống mua bán người và công tác giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn Hà Nội luôn được đầy đủ và kịp thời.

Từ tháng 6/2013 đến hết tháng 6/2019, số lượng nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội là 24 người, trong đó, có 18 nạn nhân là người ngoại tỉnh. Các nạn nhân đều được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và bàn giao cho cơ quan Công an các tỉnh để đưa nạn nhân trở về nơi cư trú, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội đã tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho 02 trẻ em dưới 16 tuổi (trẻ sơ sinh). Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho 01 nạn nhân nữ là người huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Đồng thời, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội trong việc tiếp nhận thông tin về các vụ án mua bán người trên địa bàn Thành phố, nhằm nắm bắt kịp thời và tiếp cận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chỉ đạo Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, Trung tâm Bảo trợ xã hội III tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân; phối hợp với các tổ chức xã hội đóng trên địa bàn Hà Nội trong việc hỗ trợ dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho nạn nhân, giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh các biện pháp trên, Sở LĐ,TB&XH cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tệ nạn mua bán người. Trong đó, đã phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, là một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ em đường phố, trẻ khuyết tật, đặc biệt là nạn nhân của nạn mua bán người để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Từ tháng 6/2013 đến hết tháng 6/2019, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã tiếp nhận, hỗ trợ cho hơn 400 nạn nhân trên cả nước. Với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tiếp cận và hỗ trợ 02 nạn nhân bị mua bán trở về là người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội được học nghề, trong đó, có 01 nạn nhân đang theo học nghề pha chế, 01 nạn nhân đang trong quá trình động viên, thuyết phục để hỗ trợ học nghề. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Để đảm bảo hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng cường trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Sở LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục bố trí cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống mua bán người tại các địa phương. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người, công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người và các hiệp định song phương với các quốc gia láng giềng nhằm phòng, chống nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tăng hình phạt đối với tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em để tăng tính răn đe.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t