Hà Nội: 30.840ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản (08:32 23/05/2019)


HNP - Số liệu trên vừa được Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) rà soát về tình hình sản xuất thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo đó, tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản của thành phố là 30.840ha, trong đó: Diện tích ao hồ nhỏ 6.706ha; hồ chứa nước 4.327ha; ruộng trũng 19.807ha; ngoài ra còn có các con sông có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè như: Sông Hồng, sông Tích, sông Bùi... Trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín với tổng diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh là 10.098ha. Năm 2018, diện tích đưa vào nuôi khoảng 22.418ha, sản lượng nuôi ước đạt 115.000 tấn, năng suất trung bình đạt 5,13tấn/ha/năm. Đối tượng nuôi gồm: Cá truyền thống (trắm, chép, trôi, mè), cá rô phi, tôm càng xanh, thủy đặc sản (ếch , ba ba, cá trắm đen). Sản phẩm thủy sản phần lớn được tiêu thụ dạng tươi sống. Sản phẩm sơ chế, chế biến gồm có chả cá, cá nước ngọt sơ chế đông lạnh.

Theo quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 5/6/2015 của UBND thành phố Hà Nội phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội có hơn 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ do UBND cấp xã quản lý, hợp tác xã thủy sản do cấp huyện quàn lý. Hiện tại trên địa bàn thành phố chỉ có 1 doanh nghiệp có hoạt động nuôi trồng thủy sản với quy mô hạn chế. Trên địa bàn thành phố có tổng số 27 hợp tác xã có hoạt động nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.500ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 20.000 tấn.

Từ thực tế nuôi trồng thủy sản của thành phố Hà Nội, Chi cục Thủy sản tham mưu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật để cụ thể hóa các quy định và các giải pháp khuyến khích trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cụ thể: Các quy định về sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm thủy sản an toàn; các yêu cầu bắt buộc giữa các tác nhân tham gia chuỗi; các quy định, thông tin bắt buộc phải cung cấp đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, minh bạch thông tin cho người tiêu dùng… Bên cạnh đó, có hướng dẫn cụ thể về tần suất, số lượng mẫu khi giám sát về an toàn thực phẩm, môi trường, dịch bệnh tại các vùng, khu nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

UBND thành phố Hà Nội: Rà soát, bố trí nguồn kinh phí để triển khai hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản đã được UBND thành phố phê duyệt (có 4 dự án được phê duyệt đầu tư và 9 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư) nhưng đến nay mới có 2 dự án đã được đầu tư triển khai gồm dự án vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc 2 xã (Trung Tú và Đồng Tân) ở huyện Ứng Hòa (232ha) và dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín (93,2ha); các dự án còn lại (11 dự án) chưa được triển khai.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t