Tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh (23:12 15/04/2021)


HNP - Ngày 13/4, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 226/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tay chân miệng, thành phố Hà Nội tại phiên họp số 102, diễn ra ngày 12/4/2021.

Theo đó, về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể thuộc thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tránh tâm lý chủ quan, lơ là; các đồng chí lãnh đạo, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp tham dự đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo thành phố; chủ trì chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác giao ban phòng, chống dịch các cấp; kiểm soát tốt các nội dung được kết luận tại các cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo thành phố, rà soát các hoạt động tại địa phương mình, đảm bảo các hoạt động trên địa bàn an toàn, đảm bảo thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
 
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các trường hợp mắc. Đồng thời chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19 đợt 2 của thành phố, trong đó lưu ý hướng dẫn các đơn vị triển khai một số nội dung cụ thể. Trong đó, Sở Y tế tổ chức tập huấn công tác chuyên môn, quy trình tiêm chủng cho đội ngũ tiêm chủng về việc triển khai tiêm chủng vắc xin trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng bố trí đầy đủ trang thiết bị theo quy trình, đảm bảo an toàn tiêm chủng: Tiếp đón, tư vấn, khám sàng lọc, đo thân nhiệt, huyết áp, khai thác tiền sử dị ứng (các tiêu chí trước khi tiêm chủng); tiến hành tiêm; theo dõi các phản ứng sau khi tiêm, đảm bảo an toàn tối đa theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
 
Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát công tác chuẩn bị trước chiến dịch và trong ngày tiêm chủng. Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch đợt 1 của thành phố để chuẩn bị tốt hơn cho các đợt tiêm tiếp theo. Báo cáo tiến độ triển khai thực hiện việc tiêm chủng đợt 2, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo kịp thời, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
 
Căn cứ hướng dẫn của ngành Y tế, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm trên địa bàn (đặc biệt lưu ý đến việc rà soát các đối tượng được tiêm); bố trí kinh phí hỗ trợ công tác triển khai thực hiện tại địa phương; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngành Y tế địa phương trong việc tổ chức tiêm: Huy động các đối tượng các đối tượng, tổ chức tiêm chủng theo kế hoạch; đảm bảo công tác an toàn, an ninh trật tự tại các điểm tiêm.
 
Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly tập trung cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng. Đặc biệt lưu ý công tác cách ly tại các khách sạn.
 
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng xử lý dịch khi xuất hiện ca bệnh và các trường hợp có liên quan trên địa bàn. Thường xuyên nắm bắt thông tin, biến động nhân khẩu trên địa bàn, giám sát y tế chặt chẽ tại địa phương đối với trường hợp sau khi hoàn thành cách ly tập trung đủ 14 ngày và cả những trường hợp đã được điều trị khỏi Covid-19 khi trở về địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép, người không khai báo trung thực trên địa bàn.
 
Về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng: ở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ nhỏ.
 
Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học: Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly điều trị kịp thời; hướng dẫn nhà trường các biện pháp xử lý môi trường phòng, chống bệnh tay chân miệng như vệ sinh lớp học (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập...) bằng xà phòng hoặc cloramin B theo quy định; chỉ đạo các trường học thông báo kịp thời thông tin về học sinh có biểu hiện nghi mắc bệnh tay chân miệng cho cơ sở y tế trên địa bàn để tiến hành điều tra dịch tễ và xử lý dịch.
 
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành Y tế; trạm y tế tại phường, xã, thị trấn hướng dẫn chuyên môn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t