Giúp người lao động nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động (15:40 22/05/2024)


HNP - Ngày 22/5, tại Hội trường Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hơn 200 đoàn viên, người lao động ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã tham gia đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề: “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động”.

Quang cảnh buổi Đối thoại


Buổi đối thoại nhằm giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động ngành Giao thông vận tải Thủ đô hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Luật Công đoàn và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
 
Tham gia chương trình có các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn).
 
Chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến
 
Tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi
 
Anh Đỗ Văn Hào, Thanh tra Sở Giao thông vận tải hỏi: "Tôi xem trên báo, đài thấy một số nơi người ta đổ xô đi rút BHXH một lần. Hoạt động này nên hay không nên? Khi rút BHXH một lần người lao động bị những ảnh hưởng gì?"
 
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, rút BHXH một lần là không nên vì càng sau này chính sách BHXH càng có lợi cho người lao động. Nếu người lao động tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như:
 
- Được nhận lương hưu đều đặn hằng tháng: Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
 
- Về quyền lợi BHYT: Được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nếu có thẻ BHYT sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. 
 
- Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Thứ nhất là trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết. Thứ hai là trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
 
"Như vậy, nếu người lao động tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu và đặc biệt ở một số đơn vị có những người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ngay cả khi chết thì thân nhân cũng được hưởng chế độ tử tuất trong khi nếu người lao động nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Với chế đội bảo hiểm một lần thì chúng tôi cũng khuyên không nên lấy dù ít hay dù nhiều", chuyên gia Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh.
 
Chia sẻ thêm về nội dung này, chuyên gia Nguyễn Văn Hà cho biết: Bản thân chúng tôi gặp nhiều vụ việc như chuyên gia Dương Thị Minh Châu nói. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Do vậy, trong trường hợp bần cùng bất đắc dĩ thì chúng ta mới phải rút.
 
Đại diện người lao động nêu câu hỏi
 
Chị Hoàng Thị Ánh Ngọc, Công ty cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội: "Xin hỏi chuyên gia, người lao động có đội tuổi từ 55-57 tuổi chưa tham gia đóng BHXH bắt buộc thì có phải đóng BHXH bắt buộc không? Trường hợp, người lao động có đơn xin không đóng BHXH bắt buộc có được không?"
 
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Có rất nhiều người lao động khi hết tuổi lao động (đủ tuổi nghỉ hưu) nhưng vẫn tham gia vào thị trường lao động và đi làm. Người lao động đủ thời gian tham gia BHXH và đủ điều kiện nhận lương hưu sẽ không được người sử dụng đóng BHXH bắt buộc nữa. Lúc này người lao động có thể nhận lương hưu và cả tiền lương người sử dụng lao động thỏa thuận trả. Và ngược lại, chỉ cần có hợp đồng lao động, chưa đủ năm hưởng lương hưu thì bắt buộc phải đóng BHXH.
 
Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật được hưởng trợ cấp thôi việc nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Công ty Metro Hà Nội: "Xin hỏi chuyên gia, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định thì người lao động được hưởng những gì?"
 
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà cho biết: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
 
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ. Người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc. Ngoài ra, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi mỗi bên.
 
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có những văn bản ghi nhận công sức, đóng góp của người lao động mà họ có thể đề xuất, điều đó không trái với luật. Khi mà thực hiện đầy đủ những thủ tục này thì mối quan hệ rất tốt. Đặc biệt, sau khi chúng ta nghỉ ở doanh nghiệp cũ thì nên giữ thái độ tốt vì nó sẽ là lợi thế khi đến làm việc ở doanh nghiệp mới vì hai bên chắc chắn sẽ có sự trao đổi với nhau.
 
Bổ sung thêm nội dung này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, thời gian chúng ta hưởng trợ cấp thôi việc thì chúng ta phải trừ đi thời gian chúng ta hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 
Chị Ngô Thị Thanh Bình, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội hỏi: "Xin hỏi chuyên gia, đối tượng được hưởng theo chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 gồm những người nào?"
 
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Hiện nay Chính phủ đang rà soát, xây dựng các văn bản để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Từ ngày 1/7/2024 này, đối tượng cải cách tiền lương tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức viên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang chứ không tập trung vào người lao động trong quan hệ lao động thông thường. "Đề án chính sách cải cách tiền lương chưa chính thức được ban hành do đó chúng ta sẽ cần phải đợi thêm một thời gian nữa", Luật sư Nguyễn Văn Hà nêu rõ.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu tại buổi Đối thoại
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh, với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động” là cơ hội để đoàn viên công đoàn và người lao động tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của bản thân. Thực tế cho thấy, đối với mỗi công nhân lao động, ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì cũng cần nắm rõ những kiến thức về pháp luật lao động, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
 
Với những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành Giao thông vận tải thì việc tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết.
 
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị sau chương trình này, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Giao thông vận tải nói riêng, các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung tiếp tục có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời cung cấp cho người lao động những thông tin chính xác liên quan đến kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà đoàn viên, người lao động quan tâm.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t