Di sản văn hóa phi vật thể dần hồi sinh trong đại dịch Covid-19 (15:23 28/12/2021)


HNP - Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ Đoài với 1.793 di sản. Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản ấy, ngay trong thời gian dịch Covid-19 đang hoành hành, công tác này vẫn được diễn ra một cách âm thầm và liên tục. Trong đó, ngành văn hoá thành phố đã có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

Ca trù Hà Nội đã và đang có những bước hồi sinh mạnh mẽ


Ngay khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, đầu tháng 11/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khai mạc lớp dạy hát ca trù tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Phó Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết, điểm khác biệt của lớp dạy ca trù lần này là không phải dạy cho một Câu lạc bộ, hay một Giáo phường cụ thể, mà tập hợp nhiều người yêu ca trù. Việc tổ chức lớp học như thế nhằm không bỏ sót những đối tượng yêu mến ca trù, giúp mọi người có thêm đam mê, từ đó, kích thích phong trào phát triển. Các giảng viên trong đợt này khá vất vả, do trong lớp nhiều người, mỗi người lại ở trình độ khác nhau. Tuy nhiên, các nghệ nhân đều nhiệt tình giảng dạy, uốn nắn từng ngón đàn, từng nhịp phách cho các học viên. 
 
Với sự quan tâm đó, ca trù Hà Nội đã và đang có những bước hồi sinh mạnh mẽ. Nếu năm 2009, toàn thành phố mới có 7 Câu lạc bộ, giáo phường ca trù, thì hiện nay, con số này đã tăng lên tới 16 Câu lạc bộ. Số người thường xuyên thực hành dao động từ 250 đến 300 người. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú ở lĩnh vực ca trù.
 
Do dịch bệnh Covid-19 khiến việc tổ chức các hoạt động truyền dạy, liên hoan, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm… gặp khó khăn. Vì vậy, nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, Sở Văn hoá và Thể thao hỗ trợ, động viên các địa phương, các Câu lạc bộ, Giáo phường ca trù thực hiện truyền dạy, sinh hoạt trực tuyến để giữ được tình yêu di sản với các thành viên. Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng chuyển hướng thực hiện nhiệm vụ tư liệu hoá các di sản. Trong bối cảnh nhiều nghệ nhân ngày một cao tuổi, việc tập trung ghi hình, ghi âm, khai thác tư liệu này trở nên hết sức cần thiết. Ngành văn hoá lựa chọn những di sản mang tính đặc trưng của Hà Nội, hoặc những di sản đang có nguy cơ mai một để thực hiện tư liệu hoá một cách đồng bộ. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện tư liệu hoá với khoảng 10 di sản phi vật thể quan trọng. Trưởng phòng Quản lý Di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết, việc tư liệu hoá, ghi danh không nhằm mục đích "lấy danh". Thực tế, ngay trong quá trình làm tư liệu, nghệ nhân và cộng đồng đã hiểu thêm về giá trị của di sản. Đối với những di sản được ghi danh, không những cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn, mà còn thuận lợi cho việc quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị. 
 
Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện tư liệu hoá nghệ thuật hát xẩm
 
Một trong những di sản Hà Nội tập trung thực hiện tư liệu hoá trong thời gian qua là hát xẩm. Hát xẩm cũng là nghệ thuật trình diễn từng hết sức phổ biến tại Hà Nội từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước. Vốn là loại hình diễn xướng dân gian của người mù, xuất hiện ở các làng quê. Khi "về" Hà Nội, hát xẩm có những thay đổi, tạo nên nét đặc trưng riêng của hát xẩm Hà thành. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, Hà Nội có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, đó là Xẩm Tàu điện vì nó thường được hát trên tàu điện, ra đời khi người Hà Nội có thói quen sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại, với những bài nổi tiếng như: "Anh khóa", "Cô hàng nước", "Giăng sáng vườn chè"… 
 
Có một giai đoạn xẩm Hà Nội đi vào thoái trào và chỉ được khôi phục trong gần hai thập niên trở lại đây. Sở Văn hoá và Thể thao đã tổ chức tìm những nghệ nhân "gạo cội" của làng xẩm như: Ngô Văn Đảm, Xuân Hoạch, Phan Thị Kim Dung… cùng những nghệ nhân thế hệ sau này, nhưng giàu kiến thức, kinh nghiệm như: Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long… Hiện, thành phố có các Câu lạc bộ, nhóm hoạt đông mạnh như: Xẩm Hà thành, Câu lạc bộ Xẩm thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân. 
 
Cùng với hát xẩm, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng tiến hành tư liệu hoá toàn bộ tri thức về nghệ thuật trình diễn rối nước ở Đào Thục (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh). Dự kiến, thành phố sẽ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh Xẩm Hà Nội và Rối nước Đào Thục vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Sở Văn hoá và Thể thao đã tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Dự kiến, dự thảo sẽ trình HĐND thành phố phê duyệt đầu năm 2022. 
 
Di sản văn hóa phi vật thể là những di sản "sống", luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến đổi. Dịch bệnh đặt ra không ít thách thức. Nhưng ngành văn hoá thành phố đã điều chỉnh công tác phù hợp với bối cảnh, để di sản văn hoá phi vật thể tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t