Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (14:51 09/02/2023)


HNP - Sáng 9/2, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Phó trưởng Đoàn giám sát, đã chủ trì làm việc với UBND thành phố Hà Nội về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014-2022”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tiếp và làm việc với Đoàn.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi giám sát


Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Ngành Giáo dục trong công tác tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Các quận, huyện, thị xã đã quan tâm xây dựng kế hoạch phát triển quy mô, mở rộng mạng lưới trường lớp phù hợp với tốc độ tăng dân cư trong khu vực. Nhiều quận, huyện đã đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. 100% giáo viên dạy các lớp theo chương trình được tập huấn đầy đủ. Các nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy các lớp theo chương trình có trình độ đào tạo đạt chuẩn, chuyên môn vững vàng, có nhiều năm kinh nghiệm dạy học. Công tác chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình được coi trọng, các nhà trường thực hiện chu đáo. 
 
Tuy nhiên, hệ thống các môn học gồm các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa... với nhiều môn học mới, môn tích hợp, tổ hợp, đòi hỏi giáo viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm. Thành phố còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, một số giáo viên đơn môn thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu. Hiện, còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp bảo đảm để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày; việc phát triển đội ngũ dạy học yêu cầu tích hợp đang khó khăn.
 
Quang cảnh buổi làm việc
 
Bên cạnh đó, đã xảy ra những khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất khi nhiều khu đô thị không có trường học, dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao. Về cơ bản giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức thu nhập của người dân. Một số trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các nhà xuất bản phối hợp Công đoàn Ngành Giáo dục đã có chính sách tặng sách giáo khoa cho các em, giúp các em yên tâm học tập. 
 
Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với giáo dục phổ thông; cần cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức Ngành Giáo dục để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành giáo dục; đồng thời xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vì giáo viên lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này. 
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Một trong những điểm nhấn quan trọng là toàn ngành đã chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện công tác đổi mới. 
 
Đại diện các trường học chia sẻ những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội
 
Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được UBND Thành phố cơ bản thực hiện tốt; Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đã được tập trung chỉ đạo chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học (đối với lớp 1,2,3), cấp THCS (đối với lớp 6,7) cấp THPT (đối với lớp 10); khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tất cả các trường tiểu học, THCS đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1,2,6 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. 
 
Về chất lượng đội ngũ nhân lực, đa số nhà trường đảm bảo về cơ cấu, số lượng và trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Đặc biệt, các quận, huyện đã cử các giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên tham gia học tập để có chứng chỉ đào tạo dạy được môn tích hợp theo yêu cầu của chương trình mới. 
 
Bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn trong triển khai thực hiện. Cụ thể, về cơ sở vật chất, dân số cơ học tăng nhanh, trường học ở khu đô thị thiếu dẫn đến sức ép tuyển sinh; diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao; một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay. Hiện, còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số cán bộ quản lý, giáo viên...
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát
 
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát và khẳng định, Thành phố lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không có định hướng, gợi ý các trường. Với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.  
 
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận các nhà trường, giáo viên đã trao đổi thông tin cởi mở, thẳng thắn, công khai, minh bạch; các giáo viên đã nắm được tinh thần căn bản của hai nghị quyết. 
 
Qua ý kiến các giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm mới là nhất quán, thống nhất, hướng đích, cứng ở mục tiêu chuẩn đầu ra; nhấn mạnh vấn đề kiên định và thống nhất các bộ sách khác nhau vẫn phải theo tinh thần đó. “Quá trình triển khai, con đường đi đến mục tiêu các giáo viên cần tự tin hơn nữa, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để tạo sự chủ động, linh hoạt trong dạy và học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào phát biểu tại buổi giám sát
 
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, qua bước đầu giám sát cho thấy, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc đầy đủ, khá kịp thời hai nghị quyết của Quốc hội. Thành phố đã quan tâm và dành nguồn lực lớn cho công tác giáo dục đào tạo nói chung và thực hiện đổi mới giáo dục nói riêng. Mặc dù thực hiện các nghị quyết trong điều kiện còn một số nơi thiếu trang thiết bị dạy học, một số trường học quá tải nhưng các giáo viên đã sáng tạo, cố gắng tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu tối thiểu. Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội bổ sung, hoàn thiện báo cáo để Đoàn tổng hợp, báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t