Hoàng Văn Kế - Người thanh niên làm kinh tế giỏi (13:13 18/08/2010)


HNP - Tốt nghiệp THPT, anh Hoàng Văn Kế, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín đã không chọn con đường vào đại học để lập nghiệp mà lấy việc mở xưởng điêu khắc gỗ tại địa phương để lập nghiệp. Vừa làm kinh tế, anh  vừa tích cực tham gia vào công tác xã hội của địa phương.


Cùng với việc lưu truyền và phát triển nghề truyền thống, kết hợp tham gia công tác xã hội, Hoàng Văn Kế đã học hỏi được nhiều điều cho bản thân. Anh tâm sự "Sinh ra và lớn lên trên đất nghề truyền thống, ngay từ nhỏ cùng với việc học văn hóa tôi đã được tiếp xúc với công việc của người thợ điêu khắc, những đường nét hoa văn chìm nổi, những tà áo dài, những bức hoành phi câu đối, những gương mặt phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, ông thiện, ông ác... đã ăn sâu vào trong tâm thức tôi, một ngày không xa bằng chính đôi tay và khối óc của mình tôi sẽ làm ra được những sản phẩm đó và đấy sẽ là con đường lập nghiệp của tôi".
Khi tròn 11 tuổi, Hoàng Văn Kế bắt đầu tìm hiểu và theo học chạm khắc gỗ tại xưởng nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc. 9 năm vừa học vừa làm từ 1990 đến 1999 đã cho anh nhiều kinh nghiệm quý báu, anh hiểu để có một tác phẩm điêu khắc đẹp, có hồn không phải là dễ, từ ý tưởng tới sản phẩm, từ đường nét cơ bản, tỷ lệ sản phẩm tới các chi tiết nhỏ đều phải tinh xảo thì mới có thể chạm được nét thần thái của từng bức tượng, thổi được hồn của những nhân vật mà tượng gỗ hóa thân. Chính nhờ sự cố gắng học hỏi anh đã có thể tự mình độc lập trong công việc sáng tác, tạo nên những pho tượng Quan thế Âm bồ tát, Phật Tam thế, Quan Công, Di Lặc những bức hoành phi câu đối...
Dám nghĩ dám làm, năm 1999, khi tay nghề đã vững và có uy tín, cùng với sự động viên của thầy nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, sự ủng hộ tạo điều kiện về tinh thần lẫn vật chất của gia đình, anh đã mạnh dạn tách ra mở xưởng sản xuất điêu khắc tượng phật của riêng mình. Anh cho biết: bước đầu mở xưởng gặp nhiều khó khăn như diện tích xưởng sản xuất chỉ có 65m2, phải thường xuyên đi các đình chùa để tham khảo các mẫu tượng, tìm hiểu những đặc trưng cơ bản, những giá trị văn hóa ẩn dưới những bức tượng phật để khi chế tác, mỗi tượng phật phải mang một giá trị riêng, kết hợp với những chuyến đi anh còn tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm... từ đó anh đã chọn được cho mình những sản phẩm chủ đạo. Với Hoàng Văn Kế thương hiệu phải gắn với chữ tín bởi chữ tín thể hiện ở chất lượng sản phẩm làm ra, tuân thủ tính nguyên mẫu, mỗi bức tượng vừa phải đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật, vừa làm sao trong mỗi pho tượng phải có "sức sống" lôi cuốn đối với người tham quan chiêm ngưỡng...
Với thành công bước đầu, anh đã vay thêm vốn ngân hàng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư mua trang thiết bị máy móc hiện đại. Hiện cơ sở điêu khắc của anh đã có trên 40 lao động, hầu hết là đoàn viên thanh niên trong xã, trong đó có hàng chục thợ tay nghề cao, thu nhập bình quân của mỗi người thợ từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt anh luôn lưu tâm nhắc nhở thợ của mình phải có kỷ luật cao, có đạo đức trong lao động.
Từ những ngày đầu phải tìm khách hàng nay xưởng của anh đã có những đơn đặt hàng phong phú về chủng loại và số lượng, đáp ứng được yêu cầu của khách. Sản phẩm của anh được tiêu thụ chủ yếu ở chùa chiền, miếu điện trong nước và một phần xuất ngoại sang Campuchia, Thái Lan, Mỹ, Đức... được bạn hàng đánh giá cao. Mỗi năm, trừ chi phí xưởng sản xuất của anh thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.
Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất để tăng thu nhập, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên địa phương và nhân rộng mô hình làm nghề giỏi, sẵn sàng nhận các em thanh thiếu niên vào xưởng dạy và truyền nghề.

Với quyết tâm của sức trẻ và sự nỗ lực không mệt mỏi, vừa qua anh đã được Thành Đoàn Hà Nội biểu dương tôn vinh tại Festival Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi lần thứ I; được UBND huyện tặng giấy khen Người tốt việc tốt, hiện anh là thành viên CLB Doanh nghiệp trẻ huyện Thường Tín.
                                                                        
 


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t