Làng may comple Vân Từ khẳng định chỗ đứng trên thị trường (20:39 13/04/2018)


HNP - Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên được biết đến là nơi duy nhất trên cả nước có làng nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay. Chất lượng, giá cả là những yếu tố quan trọng giúp làng nghề ngày càng phát triển.

Hầu hết người dân xã Vân Từ đều tham gia vào sản xuất, buôn bán comple, veston


Xã Vân Từ có nghề may comple truyền thống trải qua hàng trăm năm với nhiều thăng trầm và đã có lúc nghề may ở đây tưởng như mất hẳn. Nhưng nơi đây vẫn còn rất nhiều con người ấp ủ trong mình niềm đam mê với nghề, họ giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ sau này và từ đó nghề may comple nơi đây lại được phát triển một cách mạnh mẽ. Theo những nghệ nhân cao tuổi trong làng kể lại, vào khoảng những năm 1920 nhiều thanh niên trong làng đã lên Hà Nội để học nghề may, sau đó về làng tiếp tục phát triển nghề mình học được. Với niềm đam mê, sự chăm chỉ, khéo léo những con người nơi đây đã làm ra những bộ comple, veston đẹp, chất lượng cao, giá thành hợp lý và được nhân dân cả nước ưa chuộng. Chính vì vậy, từ một xã vùng chiêm trũng quanh năm bám vào đồng ruộng, nay Vân Từ đã có những ông chủ, thương gia sản xuất và buôn bán comple, veston khắp cả nước.
 
Hiện nay, xã Vân Từ có tất cả 10 thôn, trong đó có hai thôn chủ lực làm nghề may comple, veston là thôn Từ Thuận và thôn Chung, những thôn khác trong xã cũng có nghề nhưng thường là làm thuê cho các cửa hàng lớn. Toàn xã có khoảng 1.500 hộ, có khoảng 70-80% làm nghề, đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân Vân Từ. Nghề may comple, veston đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất comple, veston với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
 
Chia sẻ với chúng tôi về nghề may comple hiện nay, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Luyến Đào Ngọc Hùng cho biết: Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, nghề may của xã đã có tiếng trên thị trường. Sản phẩm comple Vân Từ nói chung và Từ Thuận nói riêng không chỉ tiêu thụ tốt trên địa bàn Thủ đô mà còn đến với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các sản phẩm comple, veston hiện nay cũng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, đáp ứng đầy đủ thị hiếu của người tiêu dùng mọi lứa tuổi. Giá cả sản phẩm cũng đủ loại, hàng bình dân từ 1 - 2 triệu đồng/bộ là phổ biến. Tuy nhiên, nếu khách hàng có nhu cầu may những bộ chất lượng cao với giá tiền khoảng chục triệu đồng, người làng Từ Thuận cũng có thể đáp ứng. Công ty của gia đình ông được mở ra và ngày càng làm ăn khấm khá, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 40 - 50 lao động cũng một phần nhờ vào thương hiệu comple truyền thống Vân Từ.
 
Các sản phẩm comple, veston của xã Vân Từ
 
Cũng theo ông Hùng, để làm nên thương hiệu cũng như giữ được thương hiệu, comple, veston Vân Từ có những đặc điểm riêng để tồn tại và phát triển, đó là vải có tới 4 lớp gồm vải, mùng, lót, bong làm cho sản phẩm dầy hơn, bền hơn không bị nhàu và phai màu khác hẳn với các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp hiện nay. Do là may thủ công và theo sát mọi quá trình sản xuất nên comple, veston Vân Từ không bị mắc những lỗi nhỏ như dư chỉ thừa, đường chỉ chạy lệch hay các túi may không đều giống như may công nghiệp. Từ đó, đáp ứng được cả yêu cầu của các khách hàng khó tính.
 
Một lợi thế nữa của comple, veston Vân Từ đó là trong 1 thập kỷ trở lại đây các hộ sản xuất tại làng nghề đã biết mang sản phẩm đến các tỉnh, thành trong cả nước để quảng bá và được người tiêu dùng trong nước chấp nhận do sản phẩm có tính thời trang, sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý và đã đẩy lùi được sản phẩm Trung Quốc tràn sang.
 
Mặc dù, nghề may comple của làng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất đối với các hộ làng nghề ở đấy chính là thiếu hệ thống hạ tầng thương mại giao thông, cụm công nghiệp làng nghề và các chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu… 
 
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển nghề may comple truyền thống, Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Dương cho biết: về đầu tự hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc thông thương, xã đã đề nghị với huyện nhiều năm nay và trong kế hoạch năm 2018 đã được HĐND huyện Phú Xuyên thông qua cuối năm 2017 thì dự kiến vào quý II/2018 sẽ triển khai mở rộng và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Bên cạnh đó, việc phát triển cụm công nghiệp làng nghề là rất cần thiết vì không chỉ liên quan đến việc mở rộng mặt bằng sản xuất, hướng đến sản xuất tập trung và chuyên nghiệp hóa mà đây còn là hướng đi để phát triển du lịch làng nghề. Do đó, xã vẫn đang tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận về mục đích của việc thu hồi đất là giúp cho làng nghề phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm, đầu tư được máy móc dây chuyền hiện đại, giảm chi phí lao động, giảm ô nhiễm môi trường…

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t