Phát triển nghề giày da Phú Yên (13:59 12/04/2018)


HNP - Xã Phú Yên, Phú Xuyên là một xã nổi tiếng với nghề làm giày da từ hàng trăm năm nay. Nhờ vào nghề truyền thống, hàng ngàn người đã có cuộc sống khá giả, ấm no. Tuy nhiên, để làng nghề giày da Phú Yên ngày một phát triển, tạo công ăn việc làm cho thêm nhiều lao động thì đòi hỏi làng nghề cần có sự chuyển mình cũng như cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cấp chính quyền.

Dựa vào nghề làm giày da truyền thống làm cho diện mạo xã Phú Yên ngày càng khởi sắc


Xã Phú Yên có diện tích tự nhiên 419,35ha với dân số 5.580 người. Xã có 4 thôn, là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, có Cầu Giẽ là đầu mối giao thông thuận lợi, nhờ đó mà nhân dân sớm được giao lưu tiếp xúc với nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó, có nghề giày da. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của nghề truyền thống, từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ xã Phú Yên đã chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là phát triển tiểu thủ công nghiệp, đây là khâu đột phá đưa xã Phú Yên từ một xã thuần nông trở thành xã có nghề, có mức thu nhập khá trong huyện, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
 
Năm 2001, thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ được UBND tỉnh Hà Tây công nhận làng nghề da giày truyền thống. Năm 2003, UBND xã Phú Yên đã thành lập Hội da giày Phú Yên nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với truyền thống hàng trăm năm, làng nghề sản xuất giày da ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên được đánh giá là nơi làm giày nổi tiếng nhất Hà Nội. Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên tự hào chia sẻ: Mỗi năm, làng nghề cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày và dép, tương đương với năng lực của một nhà máy lớn. Sản phẩm của làng nghề Phú Yên chủ yếu tiêu thụ trong nội địa, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội chiếm 80% thị phần, còn các tỉnh phía Nam khoảng 18%, ngoài ra xuất khẩu sang Lào và Campuchia khoảng 2%...
 
Sản phẩm làng nghề giày da truyền thống Phú Yên khá đa dạng nhưng thế mạnh là dòng giày công sở
 
Chia sẻ về sản phẩm thế mạnh của làng nghề, ông Đức cho biết, dòng hàng giày công sở là mặt hàng chủ lực, được người tiêu dùng ưu chuộng do có độ bền cao, giá thành phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Dòng hàng này ngày càng được mở rộng và đẩy lùi được hàng Trung Quốc do nếu làm với chất lượng tương đương như hàng Trung Quốc thì giá thành sản phẩm da giày của làng nghề chỉ bằng một nửa so với hàng Trung Quốc. Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Như Diên, chủ cơ sở giày dép da Sơn Linh (thôn Giẽ Thượng) cho biết: cùng một mẫu hàng nếu nhập từ Trung Quốc về sẽ có giá thành là 300 ngàn đồng nhưng nếu sản xuất tại xưởng thì giá thành chỉ khoảng 220 ngàn đồng, rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Trong khi hàng nhập Trung Quốc là hàng giả da còn hàng sản xuất tại cơ sở là bằng da thật, sản phẩm làm ra chất lượng hơn và rẻ hơn.
 
Với truyền thống làm nghề lâu năm, lại nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ làng nghề giày da Phú Yên đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng. Hiện nay, tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 85% tổng thu nhập toàn xã. Việc sản xuất kinh doanh ổn định đã làm cho đời sống của người thợ được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có khoảng 70-80% số hộ có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Ngoài ra, nghề sản xuất giày cũng mang đến cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động ngoài xã và một thợ lành nghề làm gia công có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.
 
Do thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết các cơ sở sản xuất đều còn manh mún, nhỏ lẻ
chưa đầu tư được đồng bộ máy móc, trang thiết bị sản xuất
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện, làng nghề hiện đang đối diện với nhiều tồn tại. Chất lượng sản phẩm nhiều hộ làm chưa đảm bảo, còn chạy theo số lượng, mẫu mã chưa tự thiết kế được chủ yếu sao chép từ các mẫu Trung Quốc khả năng cạnh tranh còn thấp, cá biệt còn có những hộ làm hàng xô, hàng chợ kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín làng nghề, trình độ quản lý của một số hộ còn yếu chưa đáp ứng được cơ chế thị trường hiện nay.
 
Cùng với đó, các hộ làm nghề cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề vốn khi muốn mở rộng sản xuất. Chủ cơ sở sản xuất Sơn Linh Nguyễn Như Diên cho biết: để mở rộng sản xuất cần số tiền rất lớn, tuy nhiên, các ngân hàng lại không cho vay vốn ưu đãi. Vay vốn trung hạn của các ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất chưa thành lập công ty.
 
Đáng chú ý, khó khăn nhất của làng nghề là mặt bằng sản xuất. Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên cho rằng, việc không có mặt bằng rộng khiến nhiều hộ sản xuất không thể mở rộng quy mô sản xuất, không thể đầu tư đồng bộ máy móc, sản xuất theo dây chuyền khép kín để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, dẫn đến việc nhiều hộ gia đình có đơn hàng lớn, đơn hàng dài hạn nhưng không dám nhận vì nếu nhận sẽ phải thuê nhiều cơ sở sản xuất vệ tinh bên ngoài, trong khi đó, có cơ sở vệ tinh làm rất tốt, có cơ sở làm ẩu nên không đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hội giày da Phú Yên mong muốn các cấp chính quyền nhanh chóng thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên theo quy hoạch.
 
Trao đổi về việc hỗ trợ phát triển làng nghề, Phó chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Đức Tài cho biết: xã luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển nghề truyền thống. Xã cũng đã biết tầm quan trọng của việc thành lập cụm công nghiệp làng nghề và mong mỏi của nhân dân trong vấn đề này. Do vậy, xã đã có quy hoạch 7,67ha diện tích đất nông nghiệp của đội 1 giáp đường sắt để làm cụm công nghiệp làng nghề, trong Cụm công nghiệp làng nghề sẽ dành khoảng 500m2 làm nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm với khách du lịch. Dự kiến, trong năm 2018 đầu 2019, cụm công nghiệp làng nghề sẽ được xây dựng, sẽ giúp cho cơ sở có hướng mở rộng sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên nhấn mạnh, đây là việc làm rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển làng nghề vì vậy mong muốn các cấp đẩy nhanh tiến độ để tháo nút thắt cho làng nghề phát triển.
 
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho rằng xã Phú Yên cũng có rất nhiều lợi thế trong việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Nếu như có giúp đỡ của Sở Công thương và Sở Du lịch cũng như các Hiệp hội du lịch thì làng nghề giày da truyền thống Phú Yên và làng nghề may Comple truyền thống Vân Từ sẽ tạo ra một điểm dừng chân thăm quan và mua sắm sản phẩm cho các tour du lịch Tràng An - Bái Đính - Hà Nội. Nếu thực hiện được, sẽ tạo ra mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch để góp phần nâng cao giá trị làng nghề và đời sống cho nhân dân.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t