Ngành Văn hóa và Thể thao: Những thành tựu nổi bật năm 2018 (12:54 29/01/2019)


HNP - Năm 2018 đi qua, đánh dấu một năm đầy nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung thành phố. Các hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều khởi sắc, được ghi nhận và đánh giá cao, tạo động lực cho ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Lễ hội đường phố 2018


Trong đó, công tác xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh và triển khai 2 bộ Quy tắc ứng xử tiếp tục được tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong nhân dân và các cơ quan, đơn vị cũng như các điểm công cộng trên địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử có nhiều đổi mới. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thực hiện 2 bộ Quy tắc trên. Trong năm, Thành phố đã tổ chức Hội thi tuyên tuyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng từ cấp phường, xã, thị trấn đến Thành phố; phát động và công bố các hoạt động của website hanoidep.vn năm 2018; thi ảnh “Hà Nội 12 mủa hoa”; cuộc thi hùng biện “Người Hà Nội”... thu hút đông đảo các đơn vị và nhân dân tham gia.
 
Năm 2018, toàn thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", 60% làng được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa", 70,5% tổ dân phố văn hóa được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa". Hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức an toàn, hiệu quả….
 
Đáng chú ý, trong năm qua, ngành được thành phố giao là cơ quan thường trực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 với nhiều thành tích đáng tự hào cùng gần 200 kỷ lục được phá. Đáng kể, đoàn Hà Nội vinh dự được xếp thứ Nhất toàn đoàn với 176 HCV, 149 HCB và 139 HCĐ. Ngoài ra, Hà Nội cũng là đơn vị chủ lực, đóng góp số lượng huy chương nhiều nhất tại các giải thi đấu quốc tế. Phong trào thể thao quần chúng năm qua cũng hoàn thành kế hoạch đề ra với 36% số người luyện tập thường xuyên, 28% số hộ gia đình thể thao, hiện, toàn thành phố có 3.250 CLB thể dục thể thao…
 
Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2018 được chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai chủ động ngay từ những tháng cuối năm 2017. Song song với đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn cũng được tập trung triển khai bám sát các nội dung, nhiệm vụ được giao. Năm 2018, thành phố Hà Nội có thêm 3 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa), Đình So (huyện Quốc Oai), Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ). Ngoài các lễ hội truyền thống, ngành cũng tổ chức nhiều những lễ hội văn hóa nghệ thuật, nhận được sự hưởng ứng của người dân như lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố...
 
Bên cạnh đó, quảng cáo ngoài trời dần đi vào nền nếp qua việc thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời; thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm các biển quảng cáo trái phép, vi phạm mỹ quan đô thị… Các phong trào thi đua ngành VH&TT phát triển khá toàn diện, có chiều sâu đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa phong trào thi đua với các sự kiện chính trị của Thủ đô, tạo động lực quan trọng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2018.
 
Cùng với những kết quả đạt được, năm 2018, ngành VH&TT vẫn còn những hạn chế. Công tác xây dựng một số đề án, quy chế thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ của Thành phố. Việc khai thác, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng còn tồn tại như những trường hợp tu bổ, tôn tạo không phép, không đúng quy định theo Luật Di sản văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao, nhất là quản lý, phối hợp trong hoạt động của Hội, Liên đoàn vẫn còn những hạn chế. Chưa khai thác hết nguồn lực, tiềm năng Thể thao trong trường học phục vụ việc phát hiện, đào tạo lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao của Thủ đô…
 
Nhằm phát huy hiệu quả những mặt đã đạt được và khắc phục những mặt tồn tại, ngành VH&TT đã đặt ra nhiệm vụ chung . Trong đó, tăng cường quản lý các lĩnh vực văn hóa và thể thao trong năm 2018. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đa dạng các giải pháp, hình thức tuyên truyền, triển khai thực hiện rộng rãi, hiệu quả 02 bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, các địa phương và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Hoàn thiện các Đề án liên quan đến thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở; Đề án nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở; Đề án đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
 
Tổ chức các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô trong năm 2019, trọng tâm là kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 20 năm thành phố Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”… Thực hiện công tác quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh kết hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, bảo tồn di sản văn hóa phi thể nhằm phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chủ động, sáng tạo trong việc tạo ra các hoạt động tăng nguồn thu cho các di tích, danh thắng và các thiết chế văn hóa, thể thao do Sở quản lý. 
 
Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế. Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô, đẳng cấp tại Hà Nội và tổ chức các đoàn nghệ thuật của Hà Nội biểu diễn tại các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế. Tăng cường xã hội hóa thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t