Cần khắc phục những tồn tại trong chợ truyền thống (09:02 08/07/2017)


HNP - Qua kiểm tra, rà soát của ngành Công thương Hà Nội, trong thời gian qua, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố mặc dù đã được sắp xếp, bố trí theo phương án được duyệt, nhưng còn nhiều tồn tại cần được khắc phục kịp thời.

Tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong chợ


Hiện, trên địa bàn thành phố có 454 chợ truyền thống, thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đã kiểm tra một số chợ trên địa bàn Thành phố và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra chợ hạng 2, hạng 3 theo phân cấp. Qua kiểm tra và tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã có 310/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng; 144 chợ chưa được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng. Trong số 144 chợ chưa được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, có 128 chợ lán tạm, 16 chợ bán kiên cố do UBND các xã, phường giao các tổ quản lý chợ quản lý: chủ yếu là các chợ họp theo phiên, không họp thường xuyên, hầu như không có hộ kinh doanh cố định.


Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực tế 310 chợ đã được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng cho thấy, hầu hết các chợ đã chấp hành đầy đủ theo phương án đã được phê duyệt, nhưng một số chưa chấp hành đúng phương án đã được phê duyệt do quá tải các hộ kinh doanh trong chợ, ý thức của các hộ kinh doanh còn kém, có hộ kinh doanh còn bán hàng lấn chiếm đường đi, tận dụng các diện tích khác trong chợ để bố trí quầy hàng, tận dụng các khoảng trống để làm kho hàng…


Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) Thành phố, tại một số chợ còn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. UBND Thành phố và các cơ quan chức năng đã có các văn bản chỉ đạo, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đội PCCC trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc nhắc nhở đơn vị quản lý chợ thực hiện nghiêm phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, không để hộ kinh doanh bày bán hàng lấn chiếm lối đi chung, không để hộ kinh doanh căng bạt che nắng, che mưa ảnh hưởng đến việc tiếp cận của xe chữa cháy khi có sự cố xảy ra…


Khẩn trương khắc phục tồn tại


Trước những tồn tại trong các chợ truyền thống, UBND Thành phố đã có văn bản số 2179/UBND-KT ngày 09/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành cho phép sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn. Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu đề xuất của UBND các quận huyện thị xã để tham mưu UBND Thành phố các giải pháp và cơ chế thu hút, khuyến khích kết hợp hài hòa, hiệu quả các nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ, đặc biệt là các chợ đang xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn.


Thành phố ưu tiên xây dựng chợ theo mô hình chợ truyền thống và giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương hoàn thành nghiên cứu, đề xuất thiết kế mẫu một số loại hình chợ làm cơ sở hướng dẫn công tác đầu tư, xây dựng chợ thống nhất trên toàn Thành phố. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn; đồng thời, xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư hạn chế năng lực và vi phạm quy định để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện.


Cùng với đó, UBND TP chỉ đạo Ban chỉ đạo 197 Thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường, quyết liệt giải tỏa các tụ điểm kinh doanh trái phép (chợ cóc) phía bên ngoài các chợ hoạt động đúng quy định để người dân vào chợ mua sắm, quyền lợi các hộ kinh doanh trong chợ được đảm bảo. Chỉ đạo các sở, ngành chức năng của Thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tại chợ truyền thống để tạo niềm tin và thu hút người dân quay lại chợ truyền thống mua sắm.


Chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành trình duyệt để tổ chức triển khai các Đề án: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong chợ dân sinh, Phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ - văn minh hiện đại và Bộ Tiêu chí các quầy hàng kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong các chợ đầu mối và dân sinh; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai vận động các hộ kinh doanh thực hiện phong trào “Chợ - An toàn, Văn minh, Hiệu quả” để nâng cao tinh thần phục vụ của hộ kinh doanh, nâng cao văn minh thương mại tại chợ truyền thống, góp phần thu hút người dân quay lại chợ truyền thống mua sắm.


Chỉ đạo rà soát và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố, trong đó, có quy hoạch mạng lưới chợ đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và sự phát triển của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.


Yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác quản lý, phát triển chợ theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố: Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động của các hạng chợ trên địa bàn; Chỉ đạo khẩn trương xây dựng, phê duyệt nội quy, phương án sắp xếp, bố trí ngành hàng, giá dịch vụ đối với các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn; Tập trung quyết liệt với sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện chỉ đạo của Thành phố tăng cường quản lý, phát triển chợ tới các đơn vị, người dân trên địa bàn.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t