Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa của Làng nghề Lệ Mật (13:05 09/11/2017)


HNP - Ngay từ đầu năm 2017, quận Long Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Đề án phát triển làng nghề Lệ Mật bằng những kế hoạch cụ thể, chi tiết, rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Do đó, trong 9 tháng năm 2017, công tác tuyên truyền, quảng bá về làng nghề đã quan tâm thực hiện và có chiều sâu. Doanh thu từ làng nghề ước đạt trên 50 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho trên 500 lao động có thu nhập ổn định.

Để tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của làng nghề, quận Long Biên đã tổ chức thành công Lễ hội Lệ Mật theo quy mô cấp Quận và Hội chợ làng nghề quận Long Biên lần thứ I (có quy mô 45 gian hàng với 24 đơn vị tham gia). Đồng thời, tổ chức sưu tầm và tổ chức trưng bày tại nhà truyền thống một số sản phẩm, dụng cụ lao động và các hình ảnh giới thiệu về Làng nghề như: rượu rắn, cao rắn, đồ lưu niệm từ rắn, đồ nghề bắt rắn... Quận cũng tổ chức in 2.000 cuốn cẩm nang du lịch, 6.000 tờ gấp tuyên truyền về làng nghề, các điểm di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Quận để tuyên truyền, quảng bá tại lễ hội Lệ Mật và Hội chợ làng nghề.

Ngoài ra, cũng hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, lắp dựng biển quảng cáo, biển chỉ dẫn về làng nghề; Chỉnh trang biển chỉ dẫn các nhà hàng đạt chuẩn, di tích lịch sử trên địa bàn phường Việt Hưng; Lắp đặt 30 logo Làng nghề tại các tuyến phố Việt Hưng; Khảo sát địa điểm lắp dựng biển quảng cáo tại một số tuyến phố: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Linh, Trường Lâm. Đáng chú ý, quận đã hoàn thành việc lập hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định cấp cơ sở (Thành phố) xét duyệt công nhận nghi thức “Lột rắn” hội Trường Lâm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dự kiến được thành phố phê duyệt vào đầu năm 2018.

Song song với công tác tuyên truyền, quảng bá, để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi rắn, trong 9 tháng đầu năm 2017, UBND Quận Long Biên đã phối hợp Hội bảo vệ thiên nhiên tổ chức tập huấn cho gần 60 người tham dự học tập về kỹ thuật chăn nuôi rắn và truyên truyền các quy định của Nhà nước trong chăn nuôi, kinh doanh động vật hoang dã. Hướng dẫn cho 22 hộ hoàn thiện thủ tục và đề nghị Chi cục kiểm lâm gia hạn giấy phép chăn nuôi rắn cho các hộ theo quy định.

Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ tại các nhà hàng ẩm thực và phát triển, mở rộng các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Theo đó, đã tổ chức rà soát, đánh giá 15 nhà hàng đạt chuẩn. Theo kế hoạch, trong tháng 11/2017, UBND quận tổ chức đánh giá lại và hướng dẫn các nhà hàng hoàn thiện các hồ sơ theo quy định. Đối với các nhà hàng chưa được công nhận, UBND quận đã tổ chức khảo sát, đánh giá và hướng dẫn cho các đơn vị hoàn thiện các tiêu chí.

Song song với các giải pháp trên, quận Long Biên còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cho du lịch. Trong giai đoạn 2017-2018 có 07 dự án xây dựng hạ tầng phục vụ làng nghề được triển khai thực hiện, như: tuyến đường 25m từ Savico đến khu đô thị Việt Hưng; Tu bổ, tôn tạo Chùa Trường Lâm; Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá: Tượng đài Bác Hồ; đang hoàn thiện phương án báo cáo quy mô: Chỉnh trang, hạ ngầm tuyến phố Lệ Mật và một số tuyến đường trục chính trên địa bàn phường Việt Hưng.

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, khó khăn, trong 3 tháng cuối năm, quận Long Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển làng nghề Lệ Mật gắn với phát triển dịch vụ, du lịch tới toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn quận; Tiếp tục hướng dẫn 15 nhà hàng đạt chuẩn khắc phục những tồn tại; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghi thức “Lột rắn” là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng làng nghề theo kế hoạch: các tuyến đường giao thông, khu công viên làng nghề...

Nghề rắn cổ truyền làng Lệ Mật, phường Việt Hưng đã có từ xa xưa với những sản phẩm về rắn nổi tiếng như: rắn ngâm rượu làm thuốc, nọc rắn, các sản phẩm về da rắn như dây lưng, ví da, giày da,.... Vào những năm 60 tại Làng Lệ Mật đã có một trại chăn nuôi rắn với quy mô lớn của HTX. Ở đây rắn được chế biến thành các món ăn đặc sản, ngâm rượu làm thuốc và xuất khẩu. Năm 1993, khi Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã được ban hành, nhân dân Lệ Mật đã nghiêm chỉnh chấp hành không săn bắt, buôn bán rắn mà chuyển dần sang các ngành nghề khác. Nghề nuôi, bắt, chế biến sản phẩm từ rắn đã bị mai một từ đây.

Đầu năm 2011, Làng nghề đã được khôi phục và được UBND Thành phố Hà Nội công nhận "Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật" phường Việt Hưng là "Làng nghề Hà Nội". Đây là Làng nghề duy nhất của quận Long Biên được UBND Thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống theo Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 27/01/2011.

Lễ hội truyền thống Làng Lệ Mật đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23/3 âm lịch hàng năm. Được duy trì và tồn tại từ thời vua Lý, Lễ hội Lễ Mật nhằm tôn vinh đức Thành hoàng làng (ông Hoàng Quý Công), người đã có công khai phá vùng rừng hoang cỏ dại phía Tây Nam hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay) thành 13 làng trại mà tên gọi vẫn còn đến ngày nay, đó là các trại Ngọc Hà, Vạn Phúc,Vĩnh Phúc, Đại Yên, Công Yên, Xuân Yên, Liễu Giai, Cống Vị, Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Hữu Tiệp, Giảng Võ, Kim Mã nằm ở quận Ba Đình hiện nay.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t