Thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020:


Cần quan tâm hơn đến hệ thống phòng cháy, chữa cháy (12:42 19/11/2019)


HNP - Giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội có gần 100 công trình, dự án về quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố về lĩnh vực này, nhiều dự án chậm tiến độ, cần có các giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn; trong đó, ưu tiên đến các dự án khắc phục PCCC các tòa nhà chung cư tái định cư.

Mới có 21 dự án hoàn thành tiến độ

Qua tổng hợp từ Ban Pháp chế HĐND thành phố, giai đoạn 2016-2020, thành phố 91 công trình liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh được phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố, nhưng, đến nay, mới có 21 dự án hoàn thành. Trong đó, Công an thành phố đã hoàn thành 5 công trình và đưa vào sử dụng; Bộ Tư lệnh Thủ đô hoàn thành 14  công trình; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội hoàn thành 2 công trình.

Thượng tá Nguyễn Hải Sơn, Phó Trưởng phòng Hậu cần Công an thành phố cho biết: Công an thành phố được giao triển khai 5 dự án theo danh mục đầu tư công. Quá trình triển khai, cả 5 dự án đều không có khó khăn vướng mắc, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật theo hồ sơ thiết kế thi công. Đến nay, các công trình xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, bảo đảm nơi làm việc, cơ sở vật chất theo nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn khu vực.

Theo Đại tá, Cục trưởng Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Hồng Hải, Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao triển khai 16 dự án xây dựng doanh trại, kho tàng, đường giao thông của các đơn vị trực thuộc bằng vốn ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Đến nay, đã có 14 dự án hoàn thành và được đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động, huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; hai dự án chậm là còn vướng mắc trong GPMB.

Hiện nay, nhiều dự án đầu tư về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội giai đoạn 2016-2020 của thành phố chậm đều thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố, Ban cũng rất nỗ lực, phối hợp triển khai các dự án, nhưng tiến độ vẫn chậm, do nhiều dự án vướng mắc trong công tác GPMB, quy hoạch.

Cụ thể như: Dự án đầu tư xây dựng Công an huyện Phúc Thọ, nhưng hiện tại khu đất thực hiện dự án đang chồng lấn với Cụm công nghiệp Phúc Thọ  và quy hoạch công viên cây xanh của huyện; các dự án xây dựng trụ sở phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 12 (Thường Tín), phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 8 (Hoàng Mai), phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 7 (Thanh Trì), Trụ sở Công an phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng),… đều khó khăn trong công tác GPMB.

Đặc biệt, đối với dự án đầu tư xây dựng mới hệ thống phòng cháy, chữa cháy 5 tòa nhà chung cư tái định cư tại Đền Lừ (Hoàng Mai) và 94B Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), do các công trình đều là đầu tư mới hệ thống PCCC (thiết kế ban đầu không có), nên phải thẩm định, duyệt phương án, cần nhiều thời gian, phối hợp từ các đơn vị, nên chậm.

Giải pháp khắc phục

Theo đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam (nguyên Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố), các dự án sửa chữa, bảo trì lắp đặt bổ sung, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện PCCC tại các công trình chung cư tái định cư cần phải được ưu tiên thực hiện nhanh, kịp thời, vì liên quan đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố cần sớm rà soát việc triển khai thực hiện các dự án về trật tự xã hội, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ với UBND thành phố và các đơn vị liên quan” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Nguyễn Ngọc Tường cho biết: Hiện nay, Ban đang thúc đẩy nhanh để hoàn thành các công trình sửa chữa, bảo trì lắp đặt bổ sung phương tiện PCCC ở các tòa nhà; phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở Xây dựng trong thẩm định, phê duyệt thiết kế. “Tuy nhiên, do công trình đưa vào sử dụng lâu, quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng, thiết kế không lường trước được công việc phát sinh, dẫn đến khi thi công đưa vào chạy thử mới phát hiện hư hỏng như: Đường ống nước dưới lòng đất bị bục; đầu phun nước, van chặn các loại chưa thay thế, dẫn dến bị rò rỉ nước trong quá trình thử áp. Cùng với đó, nhiều hộ dân sinh sống trong các tòa nhà cũng không phối hợp tốt trong quá trình thay thế các đầu phun nước, đầu báo khói trong căn hộ…dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Thời gian tới, Ban sẽ đẩy nhanh tiến độ khắc phục những hạn chế về PCCC trong các tòa nhà với giải pháp tăng cường vận động người dân phối hợp thực hiện” -  ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đán, cư dân căn hộ 803, tòa nhà chung cư tái định cư CT2C Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm cho biết, tòa nhà CT2C Mễ Trì Hạ đã được khắc phục hạ tầng về PCCC. Dù vậy, cửa nhà rác và cửa phòng kỹ thuật nước trong tòa nhà vẫn chưa được thay thế, lắp đặt, khiến cho các cư dân chưa thực sự yên tâm, vì nếu xảy ra cháy, khói vẫn có thể len qua các cửa này. “Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư hạ tầng, thiết bị về PCCC để người dân yên tâm” - ông Nguyễn Văn Đán cho biết.

Hiện nay, nhiều dự án về quốc phòng, an ninh tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng đang khó khăn trong công tác GPMB. Để hoàn thành tiến độ các dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian tới, Ban sẽ kiến nghị với HĐND, UBND thành phố có ý kiến, chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công; Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đưa ra các giải pháp về quy hoạch kiến trúc đối với dự án xây dựng Công an quận Ba Đình, Công an huyện Phúc Thọ.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t