Huyện Chương Mỹ: Xử lý nghiêm sự thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn (07:12 13/05/2017)


HNP - Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện khi để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo - đây là một trong những nội dung trong Công văn số 1296/UBND-KT của UBND huyện Chương Mỹ ban hành ngày 11/5, triển khai tăng cường quản lý, phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn tồn đọng gần 102.400 con lợn đã đến lứa xuất chuồng (trong đó số lợn nuôi gia công 33.300 con, dân tự nuôi 68.739 con), giá lợn trên thị trường xuống quá thấp, giá lợn hơi chỉ từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, các hộ cố gắng cầm chừng, duy trì đàn lợn chờ lên giá để tiêu thụ. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho đàn lợn của một số hộ không được chú trọng dẫn đến tình trạng lợn bị chết; đã có hiện tượng người dân vứt xác động vật chết ra các sông, hồ, kênh rạch và các điểm tập kết rác thải. Đây là nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh, một số bệnh có thể xuất hiện như tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh gia súc, công tác tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người; thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng con người. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh gọn, khi gia súc, gia cầm có dấu hiệu về bệnh phải báo ngay cho lực lượng Thú y địa phương và UBND xã, thị trấn để chủ động xử lý kịp thời, đồng thời, khoanh vùng dập tắt dịch ngay từ những ngày đầu, không để lây lan ra diện rộng.

Cùng với đó, hướng dẫn, kiểm tra việc thống kê tổng số trang trại chăn nuôi của các xã thị trấn; tổng đàn và số đàn lợn đến lứa xuất chuồng còn tồn đọng chưa xuất bán được. Chủ động nghiên cứu đề xuất quy hoạch quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm để có định hướng phát triển chăn nuôi ổn định và đảm bảo môi trường sinh thái, môi trường sống trên địa bàn huyện. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, có biện pháp xử lý kiên quyết các trường hợp vứt xác động vật chết ra môi trường.

UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức rà soát, thống kê, nắm chắc số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, số lợn đến tuổi xuất bán nhưng còn tồn của các hộ chăn nuôi, các điểm kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc giảm quy mô đàn nhất là cần thay thế, loại thải lợn nái kém chất lượng, chọn lọc để lại lợn nái tốt. Tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện tốt quy trình về chăn nuôi, không bỏ đói lợn, kịp thời khai báo khi có lợn ốm chết, tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra nơi công cộng, bãi rác, kênh, mương. Thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện có xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vứt xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường. Bố trí địa điểm tiêu hủy, thực hiện việc thu gom tiêu hủy động vật chết trên địa bàn theo đúng quy định, không để lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện khi để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t