Cựu tù binh Phú Quốc và ký ức 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” (05:36 01/04/2018)


HNP - Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đấu tranh kiên cường, gian khổ, những đòn tra tấn tàn bạo cả về thể xác lẫn tinh thần của địch nhằm triệt tiêu ý chí đấu tranh của chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, đến niềm vui vỡ òa trong ngày chiến thắng - được trở về trong vòng tay đồng đội vẫn luôn được các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày nhớ như in.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trò chuyện với chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc


Kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” (1973-2018), vừa qua, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt hơn 300 đại biểu đại diện cho trên 1 nghìn chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, xúc động, những đại biểu người trẻ nhất cũng đã ngoài 65 tuổi, sức khỏe không còn nhiều nhưng vẫn hăng hái, nhiệt tình, cùng với đồng đội mình ôn lại những ngày đấu tranh gian khổ, nhưng cũng đầy tự hào.
 
Địa ngục trần gian
 
Bác Đào Đức Viên (huyện Gia Lâm) nhớ lại, những ngày chia tay gia đình, bạn bè, người thân theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, vì Tổ quốc thiêng liêng hành quân ra tuyến đầu đánh Mỹ, tuổi thanh xuân phơi phới, ông cùng đồng đội hăng say chiến đấu, không may bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man, nhưng ông cùng đồng đội vẫn một lòng kiên trung với Đảng, bất khuất trước quân địch, tiếp tục chiến đấu để có ngày chiến thắng trở về.
 
Cuộc đấu tranh trong nhà lao đế quốc vô cùng gian khổ để giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng. Bác Đào Đức Viên nhớ lại, chỉ với ba từ “TÙ PHIẾN CỘNG” mà nhiều đồng đội của ông đã phải đổ máu, hy sinh, không chịu để địch gọi là “TÙ PHIẾN CỘNG”, buộc chúng phải đổi tên gọi là Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Noi gương các bậc tiền bối, những đồng chí đảng viên đã kinh qua chiến đấu, dày dạn kinh nghiệm đã nhận trách nhiệm trước Đảng, đứng lên tập hợp anh em tù binh thành một khối thống nhất, biến nhà tù thành trường học cách mạng…
 
Những tổ chức Đảng trong các phân khu trại giam đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh trực diện với địch, như chống địch cài tay sai, mật báo, phá hoại tổ chức lãnh đạo trong phân khu trại giam. Với tinh thần lạc quan, những người tù đã mở các lớp học văn hóa, học chính trị, học nghề, các nhóm văn nghệ, đánh cờ, làm thơ… nhằm góp phần giáo dục phẩm chất cách mạng, giữ vững niềm tin cho tù binh. 
 
“Trong trại giam Phú Quốc, những chiến sỹ người Hà Nội thường được đánh giá là lanh lợi, hiểu biết, hăng hái”, bác Đào Đức Viên nói. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Trần Tín - chàng trai phố Huế đã khôn khéo, cải trang thành quân cảnh, đánh lừa được lính canh và ra khỏi trại giam giữa ban ngày để trở về vùng giải phóng; đồng chí Đặng Hồng Sơn, lính đặc công nhiều lần tổ chức đào hầm cho các tù binh vượt ngục, khi bị lộ đã một mình chịu trách nhiệm, bị địch tra tấn, đóng tới 9 cái đinh vào người cho đến chết; hay như đồng chí Nguyễn Tài Triệu, bị thương, bị địch bắt, cưa chân 3 lần nhưng quyết không chịu khai…
 
Bác Lê Thiện Tích (huyện Ba Vì) chia sẻ, khi lên đường vào Nam chiến đấu đã không xác định ngày trở về; khi bị địch bắt, nhiều gia đình chiến sỹ cách mạng đã nhận giấy báo tử và chính bản thân chiến sĩ cũng xác định điều đó. Trong nhà lao đế quốc, chứng kiến những đòn tra tấn dã man của địch, như dùng que thép nung đỏ xuyên vào bắp thịt, bẻ răng, rút móng tay, nhốt “Chuồng cọp”,… song không triệt tiêu được ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng.
 
Giữ vững niềm tin chiến thắng
 
Cuộc chiến đấu của của chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc cũng đến ngày toàn thắng, bác Lâm Văn Bảng (huyện Phú Xuyên nhớ lại), năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari, cùng với đó là các hiệp định về trao trả tù binh, bọn chỉ huy trại giam Phú Quốc cũng ráo riết chuẩn bị trao trả tù, những xe chở trang phục, dày dép, túi khoác, khăn mặt, bàn chải đánh răng… để phát cho tù khi trao trả, thay cho những thứ rách rưới, cũ nát mà những người tù đang mặc, đang dùng, song chúng vẫn giữ kín thông tin về Hiệp định Pari.
 
Những người tù cách mạng náo nức mong ngày trở về, nhưng vẫn rất cảnh giác, cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm cách mạng vẫn tiếp tục trước giờ trao trả. Những người tù đòi được cung cấp văn bản Hiệp định Pari, được gặp đại diện của ta trong phái đoàn quân sự bốn bên; yêu cầu không cắm cờ Việt Nam cộng hòa, cờ Mỹ trên xe chở tù binh trao trả; trong tù mặc như nào, ra tù mặc như thế… buộc chúng phải chấp nhận. 
 
“Có Hiệp định Pari trong tay, Đảng ủy từng phân khu trại giam công khai tổ chức truyền đạt Hiệp định. Có tên quân cảnh, giám thị cũng im lặng ngồi nghe, còn xin mượn cho đồng bọn cùng xem, bởi chúng đâu có biết quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, bọn quan thầy của chúng vẫn che giấu thất bại của Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa”, bác Lâm Văn Bảng nói.
 
Ngày trao trả tù binh có lẽ là ngày không thể nào quên đối với những chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. “Vẫn bộ quần áo nâu bạc phếch với hai chữ TB sau lưng, chúng tôi ung dung lên xe, không bị còng tay, không bị bịt mắt; xuống xe, lên máy bay, lại xuống xe đi tiếp. Khi đến gần bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi mắt hướng nhìn phía trước, bỗng từ xa thấy bóng cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa trời Xuân bên bờ Bắc, chúng tôi cùng reo lên: “Cờ mình kia” và cứ thế nước mắt tự trào ra”, bác Lâm Văn Bảng nhớ lại.
 
Những chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc nhớ như in, khi được lệnh xuống xe và lên thuyền để sang bờ Bắc, không ai bảo ai, tất cả đều cởi bỏ quần áo ném lên bờ, chỉ còn độc chiếc quần xà lỏn bước lên thuyền, giương cao  cờ, khẩu hiệu. “Chưa đến bờ, chúng tôi nhảy ùa xuống nước, các anh trên bờ Bắc cũng lội ra đón chúng tôi. Bác Hồ muôn năm, Đảng nhân dân cách mạng miền Nam muôn năm!, nhiệt liệt chào đón những người chiến thắng trở về… những tiếng hô vang không ngớt, nước mắt lại trào ra, mình trần, trời lạnh, nước sông lạnh, song trong lòng chúng tôi ấm áp vô cùng…”.
 
Sau ngày chiến thắng trở về, nhiều chiến sỹ cách mạng tiếp tục tham gia chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Hòa bình lập lại, phần đông những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày nói chung, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại trại giam Phú Quốc nói riêng, tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, song dù ở hoàn cảnh, cương vị nào, nhiệm vụ nào cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công tác, sản xuất, lao động và sinh hoạt ở địa phương. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, cán bộ chủ chốt của các Bộ, ban, ngành Trung ương. Nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế gia đình ở địa phương…
 
Thành phố Hà Nội hiện nay còn trên một nghìn chiến sỹ cách mạng trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc đang sinh sống, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Thành phố, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày từ Thành phố đến các quận, huyện đã thường xuyên làm tốt công tác chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, động viên đồng đội khi đau ốm, chia buồn với gia đình và tiễn đưa đồng đội khi qua đời… Đặc biệt, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày còn là nòng cốt, tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Tiêu biểu là Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên do thương binh Lâm Văn Bảng và đồng đội là những cựu tù binh Phú Quốc tham gia xây dựng đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t