Người thầm lặng tìm thân nhân cho liệt sĩ (09:44 29/06/2017)


HNP - Gần 10 năm qua, Ông Nguyễn Tiến Xuân, ở thôn Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức - một cán bộ ngân hàng tỉnh Hà Tây (cũ) về hưu từ năm 1981 đã tự nguyện làm công việc vô cùng ý nghĩa. Ông đã viết gần 15 nghìn lá thư cung cấp thông tin giúp thân nhân của liệt sĩ tìm được phần mộ chuyển hài cốt về quê hương.

Ông Nguyễn Tiến Xuân


Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ông Nguyễn Tiến Xuân chậm rãi kể về công việc mà ông đang làm: “Năm 2007, khi nghe chuyên mục phát thanh thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc, phát trên đài Tiếng nói Việt Nam, tôi thấy nhiều liệt sĩ vẫn chưa có thân nhân mang hài cốt về quê lo hương khói. Nếu phát trên đài sẽ có nhiều gia đình liệt sĩ sẽ không nghe được. Vì thế, tôi quyết định ghi lại các thông tin, rồi viết thư gửi tới chủ tịch UBND các xã qua đó thông báo cho thân nhân của liệt sĩ biết phần mộ của liệt sĩ đang nằm ở đâu, an táng tại nghĩa trang nào. Khi gửi thư, tôi ghi số điện thoại cá nhân và nơi ở của mình để người thân các liệt sĩ tiện liên lạc”.


Niềm vui đã đến với ông khi những lá thư hồi âm của UBND các xã và thân nhân các liệt sĩ báo tin cho ông nhận được thông tin, các gia đình phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm viếng và đón hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ ở quê hương. Nhận được thư của các địa phương và thân nhân liệt sĩ, ông Xuân lại cặm cụi viết thư báo tin cho Đài tiếng nói Việt Nam để Đài thông báo trên làn sóng phát thanh. Ngày 15/10/2007, Ban biên tập chương trình “Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc” đã gửi thư cảm ơn ông “về việc làm tự nguyện mang ý nghĩa cao cả” và chính thức công nhận ông là cộng tác viên của Đài tiếng nói Việt Nam.


Mở cuốn sổ ghi chép đã cũ, ông Xuân chỉ cho chúng tôi danh sách những liệt sĩ đã từng được ông gửi đi theo các địa chỉ và tên những liệt sĩ đã tìm được. Từ những thông tin ông cung cấp, gần 10 năm qua, có 276 gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ. Việc giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, đều xuất phát từ cái tâm, ông cũng không nhận bất cứ đồng tiền nào của thân nhân gia đình liệt sĩ. Với ông, món quà quý giá hơn cả là những bức thư mà thân nhân liệt sỹ từ khắp mọi miền gửi về báo tin đã tìm được phần mộ các liệt sĩ. Đọc những lá thư gửi đến cảm ơn ông, chúng tôi thật sự xúc động, những dòng chữ khác nhau lời lẽ thật mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm. Thư của ông Đào Hùng Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có đoạn viết: “Ngày 19/4/2008, UBND xã An Đỗ đã nhận được thư báo mộ liệt sĩ của ông. Trước tiên, thay mặt thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Đỗ xin trân trọng cảm ơn ông đã báo tin mộ liệt sĩ Văn Đình Lung là người con của quê hương đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị…đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Đỗ…”. Thư của ông Đinh Đức Lai, Chủ tịch UBND xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình viết: “… Cảm ơn đồng chí đã có nghĩa cử cao đẹp nghĩa tình đồng đội góp phần mang lại cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ những niềm vui khi thấy địa chỉ mộ liệt sĩ…”.


Trao đổi với ông Phạm Tân Việt ở thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, người cháu ruột của liệt sĩ Phạm Văn Tính (sinh năm 1948) hy sinh đã hơn 40 năm nay nhưng gia đình vẫn không có tin tức gì. Ông Việt cho biết: “Chú tôi đi bộ đội khi đó tôi còn rất nhỏ, từ khi biết tin chú hy sinh, gia đình vẫn khắc khoải đi tìm hài cốt của chú đưa về quê hương nhưng không biết ở đâu. Nhận được thông tin của bác Xuân về phần mộ của chú tôi, theo địa chỉ bác hướng dẫn gia đình tôi đã tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Gia đình đã tìm thấy mộ chú có ghi tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm nhập ngũ, năm hy sinh rõ ràng. Ai cũng mừng và cảm ơn bác Xuân nhiều lắm. Chúng tôi cũng đang đi nhờ cơ quan chức năng đến lấy mẫu hài cốt, giám định gen ADN chính xác, sau đó làm thủ tục đưa chú tôi về với quê cha, đất tổ”.


Mới đây, Đoàn công tác của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng đã đến gặp ông Nguyễn Tiến Xuân trao đổi, tiếp nhận những thông tin, danh sách ghi chép lại về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục chính sách - Bộ Quốc phòng cho biết: Chúng tôi đánh giá cao việc làm tình nghĩa, cao cả, ghi nhận, tri ân sự đóng góp của bác Nguyễn Tiến Xuân trong công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung và việc tìm hài cốt liệt sỹ nói riêng. Đồng thời, mong muốn việc làm của bác Xuân tiếp tục được tuyên truyền, nhân rộng trên địa bàn xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và trong toàn dân để giúp cho công tác tìm hài cốt và quy tập mộ liệt sỹ được hiệu quả hơn.


Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dư ở thôn Hậu Cử, xã Vân Canh, bạn thân của ông Xuân nhận xét: “Tôi rất cảm phục việc làm của bác Xuân, tuy bác không phải là một cựu chiến binh, chưa một ngày chiến đấu trên chiến trường nhưng với tình cảm “uống nước nhớ nguồn” và cảm thông với hàng vạn gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy phần mộ của các anh, bác đã âm thầm làm một công việc ý nghĩa. Nếu là tôi chưa chắc tôi đã làm được”. Dù công việc mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền của nhưng có thể làm được việc ý nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, đối với ông Nguyễn Tiến Xuân là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Ông bảo: “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này, cho đến khi tay không cầm được bút, mắt không nhìn thấy chữ tôi mới nghỉ”.


Hữu Thu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t