Hội thảo đánh giá mô hình trình diễn giống mới và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa (20:39 31/05/2017)


HNP - Sáng 31/5, tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo đầu bờ về đánh giá mô hình trình diễn giống mới và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Các đại biểu thăm quan mô hình sử dụng giống lúa Kim Cương 111 tại xã Hương Ngải


Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong thời gian, qua đơn vị đã thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng, quy mô 200ha, được triển khai thực hiện tại 15 điểm của 10 huyện. Các giống tham gia trình diễn là các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn tương tự như: Q5, KD18, có khả năng chống chịu tốt các loại sâu bệnh, có tính thích ứng rộng và cho năng suất, chất lượng cao, bao gồm các giống Kim Cương 111, Vật tư NA2, Đại Dương 2, J02 và nếp thơm Hưng yên.
 
Cùng với các giống lúa mới, Trung tâm đã đưa cơ giới hóa trong sản xuất lúa, trong đó, có dây chuyền gieo mạ khay tự động, sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa. Các mô hình người dân được hỗ trợ giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Hỗ trợ 50% giá máy, thiết bị nhưng không quá 75 triệu đồng/máy. Tính đến nay, các mô hình đều được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, yêu cầu và đạt kết quả tốt.
 
Với 200ha mô hình đã thu hút được hơn 1.800 hộ tham gia sản xuất, như tại xã Hát Môn (Phúc Thọ) có 20ha, xã Thuỵ Hương (Chương Mỹ) có 20ha, tại huyện Thạch Thất có 2 xã là Hương Ngải và Đồng Trúc mỗi xã có 10ha… Ngoài khả năng chống chịu sâu bệnh, các giống đều cho năng suất cao hơn so với các giống thông thường từ 2,3 - 18,2 tạ/ha, chất lượng gạo đều được đánh giá ngon hơn.
 
Mô hình được triển khai cơ giới đồng bộ trong sản xuất từ khâu làm đất gieo cấy đến thu hoạch, việc này làm tăng lợi nhuận cho người sản xuất khi chi phí sản xuất của người trồng lúa cũng giảm được 7 đến 9 triệu đồng/ha so với sản xuất theo phương pháp thủ công. Mặt khác, thời gian lao động được rút ngắn, lao động dôi dư chuyển sang làm việc khác, đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động…
 
* Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đi thăm mô hình áp dụng giống mới và cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Xã có 324ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích lúa là 293ha. Theo lãnh đạo xã, việc triển khai một số giống lúa mới (giống Kim Cương 111) và ứng dụng cơ giới hoá trên địa bàn xã vụ Xuân 2017 đã cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Mô hình sản xuất lúa bằng công nghệ sản xuất mạ khay, cấy bằng máy không những tiết kiệm chi phí mà còn rút ngắn chu kỳ sản xuất. Từ các mô hình này, huyện Thạch Thất sẽ lựa chọn những giống lúa tốt, công nghệ tiến bộ để đưa vào sản xuất ở những vụ tiếp theo.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t