Cầu vượt An Dương - Thanh Niên: Công trình cấp thiết với giao thông khu vực (10:31 31/03/2017)


HNP - Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, quận Ba Đình và Tây Hồ, là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm, cấp thiết đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Hà Nội thực hiện theo cơ chế giao thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đây cũng là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổ chức giao thông, giải tỏa ách tắc cho khu vực cũng như tăng cường tính kết nối và hiệu quả khai thác mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội nói chung.

Nút giao An Dương - Thanh Niên hiện có mật độ giao thông rất lớn; các luồng lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm luân chuyển qua đây thường xuyên gây ra ùn ứ giao thông, ảnh hưởng lan tỏa đến cả khu vực lân cận. Mặt khác, đoạn đê Hữu Hồng chạy qua khu vực này hiện có cao trình 13,5m, đoạn vuốt nối từ cửa khẩu An Dương lên đường Yên Phụ tạo thành dốc cao, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khu vực cư dân bên ngoài đê cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đường nội bộ nối thông vào nút giao vừa chật hẹp vừa có độ dốc lớn, mặt đê cao ngang mái tầng 1 nhà dân. Vì vậy, việc sớm triển khai dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đang là vấn đề bức thiết đặt ra.
 
Đại diện ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thành phố cho biết đã xây dựng hồ sơ thiết kế chi tiết, bao gồm cả phương án cải tạo đoạn tuyến đê Hữu Hồng với sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành và ý kiến đồng thuận của Bộ NN&PTNT. Không chỉ tăng cường mạng lưới với cầu vượt, mở rộng đường, dự án còn kết hợp cả cải tạo cảnh quan đô thị mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về thủy lợi, phòng chống lũ.
 
Theo thiết kế, cầu vượt An Dương - Thanh Niên sẽ có 2 làn xe chạy, bắt đầu từ đường Nghi Tàm, vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên. Đoạn tuyến đê dọc đường Nghi Tàm sẽ được thay thế thân đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông cốt thép, dạng chữ L, với cao trình 15,4m (yêu cầu hiện tại đối với đê là 13,4m). Tường chắn có chân móng đảm bảo chống trượt, kéo dài đường viền thấm, có khả năng chịu lực (lật, trượt) ổn định dưới tác động của cả mưa lũ lẫn động đất, va chạm… 
 
Các đốt tường chắn bê tông cốt thép, dài từ 10 - 15m, mối nối sử dụng chốt thép chịu cắt và tấm ngăn nước theo dọc tường thân, đáy mỏng, đảm bảo chống thấm. Thân trên tường chắn có bố trí các hốc để trồng cây xanh loại nhỏ; khi cần thiết có thể chồng các thanh tường hoặc chất bao tải cát ngăn lũ. Mặt khác tường chắn hoàn toàn có thể xây dựng, nâng cao để phòng, chống lũ trong tương lai. 
 
Cùng với đó, Dự án cũng sẽ mở rộng cửa khẩu An Dương và 3 cửa khẩu khác dọc đường Nghi Tàm, vị trí dự kiến: ngõ 108 (vào chợ Yên Phụ), ngõ 276 và ngõ 310, đây là các vị trí hiện nay đang bố trí các nhánh lên, xuống đường Nghi Tàm trên đê hiện trạng. Về kích thước cửa khẩu, Tư vấn đề xuất phương án cửa khẩu kích thước 2x6m phù hợp tổ chức giao thông ra, vào tại các cửa khẩu để đảm bảo lưu thông và an toàn giao. Ngoài ra, dọc tường chắn đê BTCT có bố trí các cầu thang bộ lên xuống với vị trí dự kiến khoảng 100m có 1 cầu thang và vị trí cạnh các cửa khẩu. 
 
Để thuận lợi vuốt nối với mặt đường gom hiện trạng trong đê, cải tạo mở rộng đường Nghi Tàm đảm bảo 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, cải thiện được giao thông, mỹ quan toàn bộ tuyến đường và phục vụ dân sinh tốt hơn, đơn vị thiết kế đã đề xuất cải tạo, hạ thấp mặt đường Nghi Tàm trên đê đất xuống cao độ khoảng +12.4m. Mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Phương án này sẽ mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
 
Trên thực tế, phương án thiết kế này đã từng được áp dụng với đoạn đê Hữu Hồng phía hạ lưu, từ Km63 + 600 - Km65 + 129 vào năm 2000; và đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều. Mặt khác, hiện nay, thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện: Hoa Bình, Sơn La, Lai Châu… có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa nguy cơ gây lũ lụt. 
 
Cùng với đó, theo Quy hoạch GTVT Hà Nội vừa được phê duyệt, trong tương lai Thủ đô sẽ xây dựng tuyến đường ven sông Hồng - thêm một lớp tường chắn, bổ trợ cho khả năng phòng chống lũ của Thành phố. Do vậy, việc xem xét hạ cao trình mặt đê cho phù hợp với thiết kế chung tổ chức giao thông khu vực là hoàn toàn khả thi. Vấn đề này đã được HĐND TP Hà Nội thống nhất cao theo tinh thần văn bản số 359/HĐND - KTNS, ngày 12/9/2016. Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, ngày 17/6/2016, Bộ đã có văn bản số 5067/TB-BNN-UBND TP thống nhất với đề xuất làm cầu vượt An Dương - Thanh Niên và thay đổi kết cấu thân đê đoạn Âu Cơ - Nghi Tàm của UBND TP Hà Nội. 
 
Hiện, công trình cầu vượt An Dương - Thanh Niên đang rất cấp thiết với giao thông khu vực, các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống lũ cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể. Do đó, công trình cầu vượt An Dương- Thanh Niên khi hoàn thành sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông khu vực, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t