Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao (15:30 30/03/2017)


HNP - Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách triển khai ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp và đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là cả một quá trình lâu dài và cần những giải pháp chiến lược...

Trồng hoa lan trong nhà lưới công nghệ cao tại HTX Hoa và cây cảnh Thụy Hương, huyện Chương Mỹ


Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
 
Là một trong những địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có những chủ trương, chính sách triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp, tiêu biểu như: Nghị quyết số 04/2013/NQ của HĐND thành phố về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và các nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của thủ đô; Hay chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chung canh tập trung của thành phố giai đoạn 2014-2020. Gần đây nhất, ngày 8/7/2015, HĐND thành phố ban hành chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thành phố giai đoạn 2016-2020. Như vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ của trung ương, thành phố cũng có những chính sách đặc thù tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC trên địa bàn thủ đô.
 
Hà Nội có nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong thời gian vừa qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã được đầu tư một phần từ ngân sách và từ các nhà đầu tư, các trang trại, các hộ gia đình triển khai thực hiện. Qua những chính sách hỗ trợ,  nhiều đơn vị đã đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến cho nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cao hơn.
 
Như đối với sản xuất hoa cây cảnh, hiện, thành phố có 2.600 ha, trong đó, chỉ có khoảng 110 ha bước đầu ứng dụng CNC một số khâu trong sản xuất, như giống mới, sử dụng nhà kính, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong sản xuất rau có 164 ha bước đầu ứng dụng CNC một số khâu trong sản xuất, như nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt ứng dụng CNC ở các khâu đưa giống mới vào sản xuất, như giống bò 3B, với việc ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 22.164 bê lai F1 BBB sinh ra, giá trị sản lượng chăn nuôi đạt trên 400 tỷ đồng, giá trị gia tăng đem lại cho bà con nông dân từ nuôi bê F1 BBB so với giống khác gần 200 tỷ đồng.
 
Ngoài dự án lai tạo giống bò BBB, thành phố còn có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều khu vực của thành phố đã ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước, hệ thống tuần hoàn nước để nâng cao năng suất và giảm dịch bệnh.
 
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC 2016-2020 đã được UBND thành phố phê duyệt. Theo kế hoạch, đến năm 2020, giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tại đây có một phần diện tích dành cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và một phần diện tích giao cho Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC.
 
Cần những giải pháp chiến lược
 
Để đẩy mạnh ứng dụng CNC trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thành phố sẽ huy động khoảng 8.686 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách khoảng 785 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân là 7.900 tỷ đồng. Nhiều cây trồng, vật nuôi có thế mạnh cũng được thành phố đặt ra mục tiêu phát triển theo hướng ứng dụng CNC vào sản xuất, như: sản xuất rau ứng dụng CNC, dự kiến, phát triển 300ha tại 9 vùng thuộc địa bàn 8 quận, huyện (gồm: quận Hoàng Mai và các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thạch Thất) đưa tỷ trọng giá trị sản xuất rau ứng dụng CNC chiếm 6% đến 8% tổng giá trị sản xuất rau toàn thành phố.
 
Tại huyện Sóc Sơn, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, được xây dựng từ năm 2008 đến nay, qua 8 năm phát triển, người dân luôn mong muốn được đưa vùng sản xuất rau hữu cơ phát triển thành mô hình mẫu về ứng dụng nông nghiệp CNC của Hà Nội. Hiện, xã có 26 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích 34ha. Với quy mô sản xuất lớn, mỗi ngày vùng rau này cung cấp 20 tấn rau với 40 loại rau, củ, quả cho hàng chục công ty và nhiều cửa hàng phân phối rau sạch, an toàn... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc: đây là vùng rau hữu cơ đầu tiên của Hà Nội xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng. Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định đây sẽ là vùng rau an toàn sản xuất theo ứng dụng CNC. 
 
Ngoài lĩnh vực trồng rau theo hướng CNC, thành phố sẽ tận dụng lợi thế sẵn có đối với sản xuất hoa, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ nâng diện tích hoa lên hơn 300 ha tại 10 vùng thuộc 5 quận huyện như: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng CNC chiếm 20% đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa toàn thành phố.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố cũng xác định xây dựng các chuỗi từ con giống đến chế biến được ứng dụng CNC, trong đó, có 6 khu chăn nuôi gia cầm, 111 trang trại, 3 cơ sở sản xuất giống, 3 cơ sở chế biến sản phẩm thịt gà và trứng, 4 khu chăn nuôi lợn, 103 trang trại; ngoài ra, còn có các khu chế biến thịt lợn, cơ sở chế biến phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi, sản xuất tinh bò sữa phân ly giới tính…ước tính giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố….
 
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để hướng đến sản xuất nông nghiệp CNC mang lại hiệu quả cần xác định đưa CNC vào khâu nào là chủ yếu và những cây, con gì cho phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, cần dành quỹ đất cho các hộ và doanh nghiệp muốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đồng thời đề ra những chính sách hỗ trợ sát với thực tế mới cho hiệu quả.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t