Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai các văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (14:22 09/12/2021)


HNP - Sáng 9/12, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu chính đặt tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự chỉ đạo và chủ trì hội nghị. 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương


Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. 
 
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; đại biểu các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
 
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã quán triệt những nội dung cơ bản của Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị triển khai Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII Quy định về những điều đảng viên không được làm.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội
 
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, hội nghị đã nghe tham luận của các đơn vị: Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Quân ủy Trung ương; Đảng ủy Công an Trung ương; Tỉnh ủy Đồng Tháp; Tỉnh ủy Sơn La; Thành ủy Đà Nẵng; Tỉnh ủy Đồng Nai và Tỉnh ủy Đắk Lắk. 
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu, phân tích và trả lời 3 câu hỏi: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã bàn nhiều, làm nhiều, vì sao lần này Trung ương tiếp tục làm; những điểm mới trong các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng kỳ này và cần phải làm gì, làm như thế nào để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, biến Nghị quyết thành thực tiễn sinh động.
 
Theo Tổng Bí thư, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi cả về lý luận, thực tiễn cũng như yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển. Điểm mới lần này là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, không chỉ xây dựng chỉnh đốn trong các cơ quan Đảng, mà cả hệ thống chính trị. Phòng chống không chỉ tham nhũng, mà cả tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bởi tham nhũng chỉ là biểu hiện, là phần ngọn của suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống. Chính vì thế, kỳ này phải làm từ gốc, không chỉ ngăn chặn và đẩy lùi, mà còn phải chủ động tiến công và xử lý nghiêm.
 
Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Kết luận và Quy định mới của Hội nghị Trung ương lần này, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị
 
Trong đó, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận và Quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận và Quy định trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ngay sau hội nghị này, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. “Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", "coi như mình vô can”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
Đặc biệt, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời, cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng.
 
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.
 
Tổng Bí thư cũng nêu rõ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại, không phải "đóng cửa" để chỉnh đốn Đảng.
 
Nhấn mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người... Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm như đã nói ở các phần trên, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XIII và Hội nghị Trung ương 4 lần này đã chỉ ra, tạo bước chuyển thật sự trong công tác này.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t